Chính trị - Xã hội Không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ
TTH - Ngày 16/6/2022, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW 'Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới'. Đây là một nghị quyết quan trọng về chỉnh đốn, xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ. Vậy nhưng các thế lực thủ địch bên ngoài lại tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá, can thiệp hết sức phi lý.
Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. Ảnh: dangcongsan.vn
Đài “Châu Á tự do” (RFA) đăng tải bài viết “Đỏ hóa Việt Nam” dưới bút danh Vũ Ngọc Mai đã đưa ra những luận điệu hằn học, mỉa mai, kích động nhằm chống phá Đảng, chống chế độ. Cho rằng, những mục tiêu trong nghị quyết là “không tưởng”, “trái với quy luật vận động”, cho đó chỉ là “một nhóm người không thể đại diện cho tất cả Nhân dân, cho cả đất nước”. Hồ đồ, trắng trợn hơn chúng cho rằng “cộng sản Việt Nam đến giai đoạn mục ruỗng, tham nhũng hết phương cứu chữa”, cho đây là “đòn cuối cùng cứu nguy”, “sụp đổ là khó tránh khỏi”…
Tại sao lại cứ chĩa mũi nhọn vào nội bộ của Việt nam?
Bản chất đằng sau những luận điệu chống phá là nhằm tấn công vào những chủ trương đúng đắn của Đảng với mưu đồ chia rẽ mối quan hệ Đảng với Nhân dân, tạo hoài nghi trong lòng xã hội, gieo rắc mầm mống chống phá. Mục tiêu sâu xa hơn là lật đổ chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa Việt Nam đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, phụ thuộc vào phương Tây.
Chúng cho rằng “Hô hào chống tham nhũng chỉ là cách nói”, “nhìn bề ngoài thật mãnh liệt, nhưng bên trong thật đáng thương”. Và không quên quy kết: “Mẹ đẻ của tham nhũng chính là cái cơ chế hiện hành”…
Trong nhiều năm qua, Đảng đã lãnh đạo phát triển đất nước với những thành tựu to lớn, không thể phủ nhận. Cái cớ đặt ra quy kết tham nhũng là từ cơ chế, là bản chất độc đảng, độc quyền nhưng chúng lại quên rằng tham nhũng là con đẻ của mặt trái nền kinh tế thị trường mà không quốc gia nào tránh khỏi.
Ở mỗi nước, dù là xã hội dân chủ hay quân chủ, một đảng hay đa đảng cũng chỉ có một đảng cầm quyền. Nếu 1 đảng không nắm được đa số chi phối trong cơ quan lập pháp thì có sự thỏa hiệp, liên minh với đảng khác để lập ra chính phủ liên hiệp. Dù cương lĩnh như thế nào thì trong mỗi đảng đều phải củng cố địa vị chính trị của mình bằng tăng cường đoàn kết, sửa sai nếu không muốn mất quyền lãnh đạo.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối đất nước, xã hội thì chỉnh đốn, xây dựng Đảng vững mạnh là nhằm nâng cao uy tín chính trị, giữ vai trò lãnh đạo theo cương lĩnh, mục tiêu đề ra. Mất niềm tin với dân chúng mới đáng chê trách, nhưng củng cố tổ chức vững mạnh lại bị chỉ trích là điều hết sức vô lý. Ý đồ của chúng là gì cũng dễ hiểu!
Thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh
Trong quan hệ quốc tế, mỗi quốc gia có quyền lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội; quyền quyết định đối nội, đối ngoại mà không chịu sự chi phối, hướng lái từ bên ngoài. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo đất nước. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Việc Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng là nhiệm vụ cần thiết, khách quan. Điều đó hoàn toàn phù hợp với Điều lệ, Cương lĩnh và nguyện vọng của toàn thể Nhân dân, phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Trải qua hơn 90 năm, nhất là hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra thế và lực mới của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên. Vai trò lãnh đạo của Đảng ở nhiều ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai mới. Bên cạnh đó, những tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường tác động mạnh đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên. Trong vòng 10 năm đã có hàng ngàn tổ chức đảng, hàng chục ngàn đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Tình trạng tham nhũng dù đã được khắc phục nhưng chưa được đẩy lùi, cán bộ, đảng viên các cấp vi phạm còn nhiều. Một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, thiếu bản lĩnh chính trị, giảm sút phấn đấu, biểu hiện “tự diễn biến - tự chuyển hóa”…
Những tồn tại đó đã đặt ra yêu cầu cần chấn hưng trong Đảng. Mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra là “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”. Đó cũng chính là thực hiện mục tiêu, phương hướng mà Cương lĩnh và Đại hội 13 của Đảng đã vạch ra về xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức và cán bộ.
Trong điều kiện chính trị thế giới đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đòi hỏi Đảng phải tự vươn tầm hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đó là quy luật khách quan theo quan điểm phát triển. Chủ trương củng cố, xây dựng tổ chức Đảng là công việc nội bộ của một đất nước, không ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào. Vậy nên không một thế lực chống đối bên ngoài có quyền can thiệp vào công việc nội bộ Đảng, của Nhà nước Việt Nam.