Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống Không thực hiện đúng quy định, di chúc không có hiệu lực
TTH - Khi lập di chúc, cần tuân thủ các quy định của pháp luật cả về nội dung lẫn hình thức, tránh tình trạng di chúc không có hiệu lực pháp luật.
TAND TP. Huế xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản”, nguyên đơn là bà Tống Thị Thương, bị đơn là ông Tống Phước Sanh. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều là ruột thịt.
Theo nguyên đơn - bà Thương: Bố mẹ của bà Thương là cụ Tống Phước Song (mất năm 1985) và cụ Huỳnh Thị Lý (mất năm 2000). Cụ Song, cụ Lý có 6 người con chung là bà Tống Thị Thương, bà Tống Thị Hoa (mất năm 2002; chồng bà Hoa mất năm 1982; bà Hoa có 8 người con), bà Tống Thị Thí, bà Tống Thị Mùi, bà Tống Thị Mão, ông Tống Phước Diệp (mất năm 1970; vợ ông Diệp cũng mất năm 1970). Ông Diệp có 1 người con là ông Tống Phước Sanh.
Nguồn gốc ngôi nhà cấp 4, xây bằng blô xi măng, diện tích khoảng 42,9 m2, gắn liền với đất có diện tích khoảng 943,3 m2, tại thửa đất số 33, tờ bản đồ số 44, tọa lạc tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế, do vợ chồng cụ Song, cụ Lý tạo lập. Năm 1985, cụ Song qua đời. Năm 2000 cụ Lý qua đời. Cụ Song và cụ Lý không để lại di chúc.
Ngày 23/3/2017, tại UBND phường Vỹ Dạ, đã tiến hành hòa giải để phân chia di sản thừa kế, nhưng ông Sanh không đồng ý. Vì vậy, bà Thương khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Bà Thương xin được chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất; không yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà.
Bị đơn - ông Sanh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Thí, bà Mùi đều thống nhất trình bày: Về quan hệ huyết thống và nguồn gốc nhà đất tại địa chỉ nêu trên, đúng như nguyên đơn trình bày. Tuy nhiên, họ không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do, vào ngày 06/4/2000, cụ Lý đã lập “Bản di chúc” với nội dung giao cho ông Sanh, bà Thí, bà Mùi được hưởng toàn bộ di sản của cụ Lý. Đối với di sản của cụ Song, do cụ không để lại di chúc nên phải chia theo pháp luật. Tuy nhiên, cụ Song qua đời năm 1985, đến năm 2017 là đã trên 30 năm, nên đã hết thời hiệu khởi kiện. Tại phiên tòa, ông Sanh cung cấp bản gốc “Bản di chúc” lập ngày 06/4/2000 tên Huỳnh Thị Lý.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án (là các con, cháu của cụ Song, cụ Lý) đề nghị tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật; yêu cầu chia đất, không yêu cầu chia nhà.
Ông Nguyễn Văn Phú, người làm chứng trình bày: Trước đây ông Phú là Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Ngày 06/4/2000, ông Phú có ký chứng thực vào bản di chúc của cụ Huỳnh Thị Lý. Về trình tự, thủ tục lập di chúc liên quan đến nhà đất của UBND phường: Cán bộ địa chính sẽ kiểm tra về nguồn gốc nhà, đất và các tài liệu kèm theo. Người lập di chúc tự soạn thảo di chúc. Sau đó, Chủ tịch UBND phường ký chứng thực. Người lập di chúc là cụ Huỳnh Thị Lý đã điểm chỉ trước mặt cán bộ UBND phường. Mặc dù khi lập di chúc cụ Lý đã 89 tuổi, nhưng tình trạng sức khỏe tốt và minh mẫn. Theo yêu cầu của cụ Lý, cán bộ UBND phường Vỹ Dạ đã đến tại nhà cụ Lý để chứng thực.
Hội đồng xét xử nhận định: Về thời hiệu khởi kiện, theo quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế (người có tài sản qua đời). Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990, theo quy định của pháp luật, thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được tính từ ngày 10/9/1990. Cụ Song mất năm 1985, nên thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Ngày 16/5/2017, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
Về hình thức của bản di chúc: Phần đầu của bản di chúc ghi “Hôm nay ngày 06/4/2000 (tức là ngày 02/3 năm Canh Thìn) tại UBND phường Vỹ Dạ, TP. Huế”, nhưng tại phần xác nhận của UBND phường Vỹ Dạ ghi: “.........Vào lúc 8h30 ngày 6 tháng 4 năm 2000 tại tổ 13 phường Vỹ Dạ”. Như vậy, Bản di chúc không có sự thống nhất về địa điểm lập di chúc.
Bản di chúc gồm có 03 trang nhưng không được đánh số thứ tự và không có chữ ký hoặc điểm chỉ vào mỗi trang của di chúc theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 1995.
Ngày, tháng, năm tại phần xác nhận của Bản di chúc chỉ ghi số, không ghi bằng chữ là không đúng theo quy định.
Tại công văn số 717 ngày 04/9/2020 của UBND phường Vỹ Dạ: Do quá trình thay đổi trụ sở UBND phường, thay đổi cán bộ công chức chuyên môn phụ tá và công tác bàn giao hồ sơ không đảm bảo nên hiện nay toàn bộ hồ sơ liên quan đến Bản di chúc có tên bà Huỳnh Thị Lý không còn lưu giữ tại phường và tại thời điểm năm 2000 chưa có sổ theo dõi hồ sơ chứng thực. Vì vậy, không có để cung cấp theo yêu cầu của tòa án. Như vậy, UBND phường Vỹ Dạ đã không thực hiện đúng quy định về tổ chức và hoạt động của công chứng Nhà nước.
Về nội dung của bản di chúc: Nhà, đất tranh chấp là tài sản chung của cụ Song và cụ Lý. Tuy nhiên, cụ Lý lập di chúc định đoạt cả phần tài sản của cụ Song là không đúng quy định.
Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử xét thấy di chúc lập ngày 6/4/2000 của cụ Huỳnh Thị Lý không đúng hình thức, thủ tục lập di chúc và nội dung theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995. Vì vậy bản di chúc không có hiệu lực pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia di sản thừa kế của cụ Song và cụ Lý (944,6m2, trị giá gần 38 tỷ đồng) cho các người con, theo quy định của pháp luật.
Vụ án này là “lời nhắc nhở” cho tất cả mọi người, khi lập di chúc định đoạt tài sản của mình, phải tuân thủ các quy định của pháp luật “đến từng chi tiết nhỏ” (đồng nghĩa với việc người dân cần nâng cao kiến thức pháp luật); cơ quan Nhà nước phải thực hiện đúng quy định về tổ chức và hoạt động của công chứng Nhà nước không được để xảy ra “bất cẩn”, sơ sót, dẫn tới những bản di chúc không có hiệu lực pháp luật.