Chính trị - Xã hội Sự cần thiết của tham vấn

Người dân vẫn mong muốn sự suôn sẻ trong quá trình thi công ở bất cứ một dự án nào đó, vì họ là người được hưởng lợi, và ngược lại.

Theo dự kiến, công trình cải tạo các nút giao trên Quốc lộ 49 tại KM17+800 – KM 18+200 (đoạn trước Đàn Nam Giao) sẽ được hoàn thành vào ngày 24/8. Tuy nhiên kể từ ngày thi công (9/7) cho đến bây giờ, đây vẫn là một công trình dang dở. Mới đây, tức là sau gần 3 tháng kể từ ngày bắt đầu và sau quãng hơn một tháng dừng công trình, người tham gia giao thông qua khu vực này mới thấy công trình tái khởi động trở lại. Băn khoăn, nghi ngại đều có, song điều quan trọng nhất là sự dang dở này đã cản trở đến việc đi lại vốn có mật độ cao của người dân. Đương nhiên là ảnh hưởng đến cả cảnh quan của di tích.

Vướng giải tỏa mặt bằng, nhưng quan trọng hơn, việc bảo đảm tính đồng bộ, tránh những tác động không hay đến Đàn Nam Giao là điều mà dự án đã “vấp” phải trong quá trình thi công. Liên quan đến điều này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những đề xuất cụ thể xung quanh việc hạ đỉnh bó vỉa hè, lát gạch trước phạm vi lối vào đàn Nam Giao bằng gạch Bát Tràng (thay cho gạch terrazzo) và lát đá ghi cho hệ thống hè đường còn lại; đồng thời thiết kế một hệ thống thoát nước phù hợp. Chủ đầu tư cũng đã thống nhất điều chỉnh một vài hạng mục nhỏ theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Đây là những lý do khiến dự án phải tạm dừng để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và được xem xét, quyết định của cơ quan có chức năng.

Như vậy cũng có nghĩa là, người dân phải tạm chấp nhận việc lưu thông bên cạnh một dự án dang dở. Dẫu sao thì cùng với việc phải chấp nhận lời xin lỗi đã cũ, được treo ở hàng rào tạm của công trình về việc đã làm phiền trong quá trình thi công, mọi người vẫn có thể hy vọng vào một diện mạo mới, đẹp và đàng hoàng hơn trước một điểm di tích quan trọng thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế - nơi mà trước đó luôn phải cẩn thận để đối phó với rủi ro vì đường hẹp, rãnh thoát nước cận kề khá sâu, lại không được che chắn. Bên cạnh đó là sự nhếch nhác rất vô lý khi người ta tận dụng mặt bằng để buôn bán, để một số loại rác thải xây dựng, cả vứt rác bừa bãi… Đây cũng là điều mà chủ nhân của Cát Tường Quân – bà Tạ Thị Ngọc Thảo đã không ít lần nêu ý kiến với mong muốn làm sạch, làm đẹp một điểm tham quan quan trọng.

Dù chỉ là một dự án không lớn, nhưng vấn đề rút ra ở đây là vai trò và tầm quan trọng của việc tham vấn từ các đơn vị có liên quan, cũng như lắng nghe ý kiến của người dân trong vùng tác động để khi thi công, dự án không phải gặp trở ngại giữa chừng. Điều này, hẳn nhiên là vô cùng quan trọng đối với bất cứ một dự án nào. Đối với một địa phương mà mật độ di sản, cảnh quan văn hóa nhiều như Huế, công tác tham vấn này lại cần được đặt ra như một điều kiện cần và cũng cần được đi trước một bước. Nó càng quan trọng khi thi công trong hoặc kề cận vùng có di sản, hoặc kề cận di sản/di tích.

Có lẽ, những dự án chậm tiến độ, hoặc thi công dở dang trong thời gian gần đây đã minh chứng điều này. Giải quyết những vấn đề phát sinh bao giờ cũng khó khăn hơn. Thậm chí còn là những hệ lụy đáng tiếc trong đầu tư và huy động đầu tư. Đương nhiên còn là vai trò và niềm tin không chỉ với môi trường đầu tư mà cả nhà đầu tư nữa.

Người dân vẫn mong muốn sự suôn sẻ trong quá trình thi công ở bất cứ một dự án nào đó, vì họ là người được hưởng lợi, và ngược lại. Dù sao, ở dự án này vẫn còn có điểm cộng là sự dừng lại, lắng nghe và tiếp thu để điều chỉnh trên cơ sở của tính hợp lý.

MINH HÀ

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/su-can-thiet-cua-tham-van-a78863.html