Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Ứng phó thiên tai: Mỗi địa bàn một cấp độ
TTH - Cùng với huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) sát với tình hình thực tế các địa phương, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phân chia địa bàn chịu ảnh hưởng bão lũ với các mức độ khác nhau để các đơn vị chủ động trong việc ứng phó.
Sát thực tế
Kiểm tra công tác phối hợp triển khai phương án PCTT-TKCN trước mùa bão lũ năm nay tại xã Hồng Thủy (địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong bão lũ hằng năm của huyện A Lưới), Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân thông tin: Địa bàn đơn vị phụ trách quản lý gồm 3 xã biên giới Trung Sơn, Hồng Vân và Hồng Thủy, nơi có nhiều khe suối và độ dốc cao, mỗi mùa mưa bão phải đối mặt với nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Các điểm có nguy cơ gây chia cắt trong bão lũ là dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, nhất là tại đèo Pê Ke, các cống ngầm đoạn qua xã Hồng Vân... trong đó nhiều nơi có nguy cơ lũ quét đột ngột.
Qua buổi làm việc giữa Ban chỉ huy Đồn BPCK Hồng Vân và UBND xã Hồng Thủy về ứng phó tình huống khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng lũ lớn, cho thấy sự chủ động của đơn vị, địa phương trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến bất thường.
Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, ông Hồ Mạnh Giang cho hay, Đồn biên phòng phối hợp với Ban CHQS xã lập phương án chi tiết sơ tán, bảo vệ dân ở những vùng thấp trũng và thường xuyên luyện tập phương án này thuần thục.
Theo Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, qua triển khai phương án PCTT-TKCN phù hợp với địa bàn ở từng cấp độ theo kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã tiến hành bổ sung các phương án, kế hoạch ứng phó với bão lũ đảm bảo sát thực tế…
Khác với vùng núi, các đơn vị tuyến biển xây dựng phương án PCTT-TKCN với các tình huống ứng phó với bão lớn, kết hợp triều cường, sóng dâng cao gây ngập lụt sâu trên diện rộng.
Theo đó, trong phương án triển khai công tác PCTT-TKCN năm nay của ĐBP Phong Hải đặt ra tình huống giả định là địa phương sẽ trải qua một cơn bão lớn với sức gió cấp 9 - 10, giật cấp 13 - 14, sóng biển dâng cao 3-4m... Khi tin báo bão vào gần bờ, đơn vị nhanh chóng tổ chức sơ tán toàn bộ đơn vị, đồng thời triển khai tình huống khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng bão lớn.
Thượng tá Ma Văn Đồng, Đồn trưởng ĐBP Phong Hải cho biết: “Đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo cơ động sẵn sàng ứng phó với tình huống bão lớn xảy ra trên địa bàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, ngoài huấn luyện theo kế hoạch được cấp trên phê duyệt, đơn vị tăng cường bổ sung thời lượng huấn luyện chuyên ngành về công tác cứu hộ, cứu nạn, di dân để cán bộ, chiến sĩ thuần thục khi làm nhiệm vụ...”.
Địa bàn ĐBP Phong Hải quản lý có địa hình phức tạp, gồm 5 xã Điền Môn, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải thuộc huyện Phong Điền và 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn của huyện Quảng Điền. Đây là địa bàn xung yếu, nơi đầu sóng ngọn gió, nhiều điểm có nguy ngập sâu khi sóng biển dâng cao, gây chia cắt và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản Nhân dân. Vì vậy, ngoài việc huấn luyện thuần thục các phương án di dời dân, đơn vị còn thành lập các đội thường trực bám trụ tại các địa bàn xung yếu để kịp thời giúp dân khi có tình huống xảy ra.
Chủ động ứng phó với nhiều tình huống
Trước diễn biến thất thường, ngày càng khốc liệt của thời tiết, năm nay các đơn vị biên phòng trên 2 tuyến biên giới chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống bão lớn, lũ lớn gây sạt lở nghiêm trọng, đảm bảo phù hợp với thực tế địa bàn từng đơn vị.
Ban chỉ huy các đồn thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình tại các vùng xung yếu để có phương án cụ thể. Xác định việc di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ bão lớn, lũ sâu là nhiệm vụ trọng tâm, các đơn vị đã phối hợp Ban CHQS các huyện, chính quyền các địa phương lập phương án chi tiết sơ tán, bảo vệ dân ở những vùng thấp trũng. Đồng thời, thực hiện công tác điều tra cơ bản, thống kê, phân loại toàn bộ số lượng phương tiện hoạt động trên biển để chủ động kêu gọi tàu thuyền di chuyển phòng tránh, cũng như huy động ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, qua việc triển khai các phương án ứng phó với bão, lũ lớn, các vấn đề tồn tại trong kế hoạch của các đơn vị được kịp thời điều chỉnh. Các tình huống di dời dân với quy mô lớn do nguy cơ ngập sâu của nước biển, hay mức độ tàn phá nặng nề của lũ quét đã được đặt ra và giải quyết một cách thiết thực, nhằm hạn chế bị động.
Đáng ghi nhận trong công tác PCTT-TKCN năm nay của lực lượng Biên phòng tỉnh là mỗi đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức thành lập đội xung kích do cán bộ, chiến sĩ biên phòng và dân quân tự vệ làm nòng cốt, sẵn sàng ứng cứu giúp dân khi có tình huống. Các đơn vị còn tham mưu cho chính quyền các xã tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo dự trữ tại chỗ cho các địa bàn có nguy cơ bị chia cắt.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN các đơn vị đã tập trung đổi mới cách diễn tập các phương án theo quy mô vùng, cụm thay vì diễn tập đơn lẻ như trước đây; lựa chọn phương án diễn tập theo đặc điểm tình hình địa phương để chủ động ứng phó được với nhiều tình huống.