Chính trị - Xã hội Thoát nghèo từ nhận thức

Bước vào Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11), theo dõi trên VTV, tôi thấy nhiều câu chuyện đáng suy nghĩ về việc xin thoát nghèo của người dân ở các vùng khó khăn.

Đó là trường hợp của cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa, năm nay 83 tuổi, con cái làm ăn xa, sống một mình nhưng 2 năm nay luôn nhất quyết trả lại sổ nghèo, với lý do xã còn nhiều người khó khăn hơn mình. Hay chuyện cả trăm hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Họ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo với suy nghĩ đơn giản là nghèo lâu, cái gì cũng phải xin mà không phải mình làm ra là có lỗi với cả bản...

Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đồng nghĩa với việc họ từ bỏ nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Xem hình ảnh, tôi thấy cụ Mơ và nhiều hộ dân ở xã Chà Nưa chưa hẳn đã sung túc về vật chất, nhưng cái họ “giàu” là nhận thức tích cực về việc thoát nghèo. Hay nói cách khác, họ đã “thoát nghèo” ngay từ nhận thức, bởi lòng tự trọng, không trông chờ, ỷ lại mà vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.

Trong những năm qua, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép như các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; xây dựng nông thôn mới; chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, cấp bù học phí, thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; cứu trợ mùa giáp hạt, hỗ trợ khi ốm đau, hoạn nạn...

Tại Thừa Thiên Huế, với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án cùng các biện pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả đã giúp cho công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt kết quả tích cực. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn tỉnh có 17.662 hộ nghèo (tỷ lệ 5,98%) và 15.429 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,22%) thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,92% và hộ cận nghèo còn 4,93%. Năm 2019, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,22% (giảm 0,7% so năm 2018, tương ứng với khoảng 2.000 hộ nghèo).

Cùng với nguồn vốn 75.042 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương phân bổ, năm 2019, tỉnh cũng dành ngân sách địa phương để đối ứng và hỗ trợ thêm cho các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều tỷ đồng từ các nguồn đóng góp ủng hộ của toàn xã hội cũng đã giúp nhiều gia đình vượt qua cơn hoạn nạn, có mái ấm, tạo thêm sinh kế, giúp người dân vững tâm vượt nghèo.

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQVN tỉnh, từ tháng 10/2018 đến hết tháng 9/2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được hơn 8,3 tỷ đồng; qua đó, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 191 ngôi nhà, giúp đỡ vốn sản xuất cho 372 hộ nghèo, khám chữa bệnh cho người nghèo, tặng quà cho học sinh vượt khó…

Thực ra, đói nghèo là điều không ai muốn. Người nghèo cũng có nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau. Có người gặp hoạn nạn, ốm đau, già cả neo đơn không còn sức lao động. Có người do thiếu vốn, tư liệu sản xuất. Cũng có người do chưa biết tính toán, làm ăn thất bát… Chính vì vậy, việc giúp đỡ người nghèo cũng cần có những cách làm phù hợp, sát với từng hoàn cảnh. Trong đó, việc hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn cách làm ăn và truyền cho họ khát vọng, ý chí vươn lên mới là cách giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện đúng quy định, tránh lợi dụng chính sách để đưa vào danh sách những hộ không thực sự nghèo, làm mất ý nghĩa và giảm nguồn lực đầu tư cho người nghèo. Ngược lại, cũng không vì thành tích, hay các lý do khác để rút hoặc đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng với thực tế khiến người nghèo càng khó hơn, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hoàng Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thoat-ngheo-tu-nhan-thuc-a78125.html