Chính trị - Xã hội 'Truất quyền' đơn vị tổ chức đấu giá
Trong Công văn số 6916/UBND-GĐ ngày 5/8/2021 do Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành về việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh và yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có đoạn:“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng tổ chức đấu giá có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện quy trình đấu giá như: Không thực hiện đúng thời hạn đấu giá tài sản đã được thỏa thuận trong hợp đồng đấu giá tài sản; tự ý gia hạn thời gian đấu giá tài sản khi chưa có ý kiến của cá nhân/tổ chức có tài sản; vi phạm về thời gian thanh toán tiền đặt trước. Tình trạng vi phạm này thường xảy ra trong trường hợp tổ chức đấu giá không có trụ sở chính hoặc chi nhánh trên địa bàn tỉnh”.
Từ công văn nêu trên, chúng ta thấy có mấy vấn đề ở đây là không thực hiện đúng thời gian; tự ý gia hạn thời gian và vấn đề không thực hiện đúng cam kết tiền đặt cọc.
Việc đấu giá tài sản mà Chủ tịch UBND tỉnh muốn đề cập ở đây có lẽ là đấu giá tài sản công. Nếu không quản lý tốt, có thể tài sản công sẽ bị thất thoát.
Việc đấu giá hiện nay được thực hiện minh bạch hơn trước đây rất nhiều, nhờ những quy định công khai của pháp luật và sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Đấu giá cái gì, giá trị bao nhiêu, thời gian khi nào, ví dụ như thực hiện các dự án (DA)... phải được thông báo rõ trên cổng thông tin điện tử quốc gia hoặc cổng thông tin điện tử tỉnh. Đã minh bạch rồi, tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu, có đủ năng lực thì tham gia đấu giá chứ sao lại có hiện tượng “có những dấu hiệu vi phạm” như trên đã nêu? Ở đây có lẽ có một sự “cấu kết” nào đó giữa bên tổ chức đấu giá và bên đấu giá. Vì tài sản công, nên bên tổ chức đấu giá phải đại diện cho Nhà nước, tức là đại diện cho việc “bán tài sản công” sao cho có cái giá lợi nhất. Phàm đã là bên tham gia đấu giá với tinh thần nghiêm túc, nghĩa là họ có đủ năng lực tài chính, năng lực thực hiện tốt DA… và bao giờ cũng mong muốn trúng thầu để thực hiện DA. Bởi thực hiện được DA sẽ tạo ra việc làm cho nhân viên của mình và kỳ vọng thu được lãi. Cái lãi ở đây được hiểu chưa hẳn là đồng tiền cụ thể mà có thể còn là xây dựng uy tín, thương hiệu của đơn vị. Những đơn vị này thường làm ăn nghiêm túc. Họ không bao giờ chấp nhận đánh đổi uy tín, thương hiệu để làm những việc “có dấu hiệu vi phạm”.
Vậy dấu hiệu vi phạm thường rơi vào những trường hợp nào? Có thể đó là những đơn vị chưa có thương hiệu; những đơn vị năng lực tài chính và khả năng thực hiện DA còn yếu; thậm chí là những đơn vị làm ăn “lôm côm”… Trước đây khi chưa công khai, minh bạch như bây giờ thì tình trạng đấu giá “quân xanh quân đỏ” diễn ra rất nhiều. Một DA quy định đấu giá có ít nhất 3 đơn vị tham gia đấu giá thì có ngay 3 đơn vị, nhưng thực chất là một đơn vị muốn thực hiện DA (ngôn ngữ ngoài đời gọi là quân đỏ), hai đơn vị khác là đơn vị cấu kết (gọi là quân xanh) để đơn vị mong muốn thực hiện DA trúng thầu. Trong đấu giá đất cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Vì sao hai đơn vị quân xanh để mất thì giờ, mất công sức, tiền bạc để đi làm cái phận sự quân xanh? Khó trả lời cho hết điều này nhưng điều chắc chắn là có lợi ích kinh tế. Không có lợi ích kinh tế không ai đi làm cái chuyện mất công, mất sức trong mối quan hệ giữa thị trường. Lợi ích có thể là một ít lót tay; lợi ích có thể là cái này tôi làm quân xanh cho anh thì cái khác anh cũng phải biết điều đóng lại vai cho tôi.
Và tại sao có chuyện “không thực hiện đúng thời hạn đấu giá tài sản, tự ý gia hạn thời gian đấu giá tài sản”? Ở đây có vẻ như có một sự - ít nhất là một sự quản lý “dễ dãi” nào đó của bên tổ chức đấu giá. Thời gian đơn vị tổ chức đấu giá được ấn định cụ thể, đâu tự ý gia hạn thời gian được. Mà giả sử có tình trạng tự ý gia hạn thời gian cũng có nghĩa là đã vi phạm, đồng nghĩa với việc tự đánh mất cơ hội đấu giá của mình. Về vấn đề này, theo chúng tôi, cứ bắt đơn vị tổ chức đấu giá giải trình. Không giải trình được thì “truất quyền” tổ chức đấu giá lần sau.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/truat-quyen-don-vi-to-chuc-dau-gia-a103237.html