Chính trị - Xã hội Từ chức có khó không?
TTH - Câu trả lời, theo người viết là khó. Ở đâu chưa biết, ví dụ như nhiều nước phương Tây, việc từ chức đã trở thành bình thường. Một chiếc cầu sập gây hậu quả lớn, người đứng đầu phụ trách bộ giao thông từ chức.
Ở ta thì không hoặc ít thấy chuyện từ chức. Chuyện cho thôi chức, cách chức thì có, nhiều là đằng khác.
Ví dụ vào tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra rằng, “trong nhiệm kỳ, cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức Đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 7 vạn đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu”. 7 vạn đảng viên bị kỷ luật, tương đương dân số một xã, phường có dân số đông trung bình chứ chẳng ít. Thế mà có mấy ai từ chức!?
Điều này cũng có thể hiểu là từ chức chưa trở thành một điều gì đó bình thường đối với cán bộ lãnh đạo. Sai phạm, hoặc năng lực không đáp ứng được, đến một độ nào đó không còn uy tín nữa thì xin, chưa nói từ chức mà thôi giữ chức cũng hiếm. Tại sao lại khó đến vậy là một câu hỏi cần làm rõ. Ở đây, có một điều cần nhìn nhận hành vi từ chức là hành vi tự nguyện. Một người nào đó thấy mình không còn xứng đáng ở một vị trí nào đó nên xin không nhận lãnh trách nhiệm của chức vụ ấy nữa. Chứ để đến khi kiểm tra, giám sát, phát hiện ra sai phạm (hoặc là năng lực điều hành không đáp ứng được) thì còn gì nữa mà từ chức. Anh không từ thì tổ chức cũng cách chức anh. Ở đây, chúng ta thấy chuyện tự nguyện rời bỏ các chức vị là hiếm. Vì sao họ lại đeo bám các chức vị “đến cùng” lại là một câu hỏi tiếp theo – những người sai phạm, sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là sai phạm về kinh tế, không thể nói là vì họ có trách nhiệm, mà họ “bám đến cùng” chức vị có thể là lợi ích kinh tế, hoặc một cái gì đó “lung linh” như quyền lực của người lãnh đạo!?
Nhưng bây giờ làm cho việc từ chức được “dễ dàng ra”. Đó là chính là Quy định 41 của Bộ Chính trị vừa mới ban hành. Quy định này có 2 vế: miễn nhiệm và từ chức. Ví dụ như từ chức có 4 căn cứ: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Hy vọng, với những quy định hết sức rõ ràng này, những cán bộ quản lý cứ chiếu vào đó mà soi mình – có nên từ chức hay không từ chức? Riêng 3 căn cứ khác thì không nói làm gì: không còn uy tín thì từ chức là phải. Vì không có uy tín làm sao quản lý điều hành được. Tín nhiệm thấp tức là mất uy tín, nó tương tự như trên nhưng căn cứ rõ ràng hơn. Vì những lý do khác, chẳng hạn như sức khỏe không đảm bảo, vì lý do gia đình… thì cũng nên từ chức. Có khi từ chức trong những trường hợp này còn lấy lại “chút ít danh dự” hơn là để đến khi cách chức. Một căn cứ đáng bàn nhất là để: “cơ quan, đơn vị mà mình quản lý có những sai phạm nghiêm trọng”. Có thể là những sai phạm do chính người đứng đầu gây ra, nhưng cũng có thể là do đơn vị quản lý, đơn vị trực thuộc gây ra. Tất cả đều thuộc trách nhiệm quản lý. Quản lý không tốt thì phải nhận trách nhiệm, phải mạnh dạn từ chức chứ không thể “trầm trây” được nữa. Quy định đã rất rõ ràng!
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tu-chuc-co-kho-khong-a106664.html