Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng: Phải hiệu quả, thực chất
TTH - Nhìn nhận và quan sát dưới góc độ một đảng viên đã tham gia học tập nhiều nghị quyết (NQ) của Đảng; qua quá trình học tập, nghiên cứu nhận thấy, có nhiều vấn đề cần phải bàn luận, để góp phần nâng cao hiệu quả của việc học tập NQ.
Một buổi nghiên cứu Nghị quyết nghiêm túc tại Đảng bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Ảnh: Kiểm sát Nhân dân tỉnh cung cấp
Trước hết, phải khẳng định rằng việc học tập NQ của Đảng là chủ trương đúng để đưa NQ đến từng chi bộ, từng đảng viên và thông qua đảng viên chuyển tiếp đến với đông đảo tầng lớp nhân dân nắm rõ những định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng. Theo báo cáo hàng năm, trên 95% đảng viên được tham gia học tập, nghiên cứu NQ và trên 80% quần chúng, người lao động tại Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh được học tập, tuyên truyền về các NQ của Đảng.
Tuy nhiên, việc triển khai thế nào và cách thức thực hiện, hiệu quả mang lại ra sao là vấn đề cần được quan tâm nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, trung thực và thẳng thắn; từ đó để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, tránh việc tổ chức thực hiện học tập mang tính hình thức, đối phó.
Ở cấp cơ sở, do bí thư, cấp ủy bận nhiều việc chuyên môn, không có thời gian tập trung nghiên cứu sâu các NQ nên khi triển khai thường ngắn gọn, vắn tắt, không chuyển tải hết các yêu cầu mà NQ đề ra, chỉ nói nhiều đến nhiệm vụ chuyên môn. Có trường hợp làm lướt, hoặc chuyển văn bản để đảng viên tự nghiên cứu nên hiệu quả không cao.
Không ít đảng viên đang tồn tại một suy nghĩ việc học NQ là nhiệm vụ bắt buộc, không học là vi phạm, chứ chưa thấy được quyền được thông tin của đảng viên theo quy định của Đảng, và trách nhiệm phải tiếp thu để thực thi nhiệm vụ đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, có biểu hiện đối phó trong việc tham gia học tập NQ.
Một thực trạng khá phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 đó là mỗi người một máy điện thoại thông minh, kết nối internet. Khá nhiều người khi tham gia học NQ lại sử dụng điện thoại cho mục đích giải trí, đọc báo, xử lý công việc. Ngoài ra, còn rất nhiều biểu hiện như đi muộn, về sớm, ra vào giữa giờ, nghe, nói điện thoại,… trong mỗi đợt học tập NQ của Đảng.
Từ những biểu hiện trên đây đã phần nào làm giảm đi tính nghiêm túc của một lớp học NQ, giảm đi hiệu quả việc triển khai học tập NQ của Đảng. Dẫn đến không hiệu quả, tốn kém cả về thời gian và kinh phí, trong khi đó công việc chuyên môn phải gác lại để dành thời gian cho việc học tập NQ.
NQ Trung ương 4, khóa XII của Đảng xác định: Lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, NQ của Đảng… là 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Theo đó, một khi cán bộ, đảng viên rơi vào biểu hiện suy thoái này thì phải có cơ chế, chế tài xử lý theo kỷ luật Đảng.
Trước hết, các cơ quan có thẩm quyền cần có quy định cho phép các cấp ủy lựa chọn những nội dung, vấn đề liên quan đến đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình để học tập NQ thì mới phát huy hiệu quả, không nhất thiết phải học những NQ ít liên quan.
Về phía cơ quan tổ chức lớp học cần phải có phương pháp, cách thức tổ chức lớp học làm sao cho thật hiệu quả, kể cả về thời gian, địa điểm tổ chức. Việc báo cáo thu hoạch sau mỗi lớp học NQ cần đổi mới và thiết kế lại, tránh tình trạng đảng viên đã viết đầy đủ thu hoạch nhưng bản thu hoạch được sao chép của nhau, thay tên đổi họ, gây lãng phí, hình thức.
Báo cáo viên cần phải truyền đạt có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, phải nghiên cứu kỹ, sâu nội dung NQ để truyền đạt cho phù hợp, hấp dẫn. Cái mà đảng viên cần đó là phương pháp, cách thức, quy trình để vận dụng NQ trong thực thi nhiệm vụ được giao, việc thực hiện đó có những trở ngại, khó khăn hoặc mâu thuẫn như thế nào, nếu thực hiện và không thực hiện thì sẽ ra sao.
Từng đảng viên phải từ bỏ quan niệm là đi học cho đầy đủ; bỏ ý nghĩ việc triển khai NQ là trách nhiệm thuộc về các cấp lãnh đạo, mình chỉ thực thi mà thiếu đi trách nhiệm và nghĩa vụ phải tiếp thu, phải lĩnh hội những nội dung NQ để từ đó có kế hoạch cho bản thân, hoặc cùng tổ chức thực hiện NQ đó.
Mỗi một NQ của Đảng đều chứa đựng và thể hiện những quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách và đường lối phát triển cho đất nước, địa phương, đơn vị. NQ đã ban hành phải được triển khai, phổ biến thống nhất trong toàn Đảng để phục vụ Nhân dân, để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Nâng cao hiệu quả học tập NQ là yêu cầu cấp thiết của công tác xây dựng Đảng, để NQ của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.