Chính Trung Quốc buộc Mỹ tăng cường hoạt động quân sự trên biển Đông

Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở biển Đông trong năm nay, trong bối cảnh hầu hết quốc gia giảm quy mô hoạt động quân sự vì đại dịch Covid-19.

Trong khi số lượng và tần suất hoạt động của các tàu tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ gần như không thay đổi, khoảng hàng trăm hoạt động mỗi năm dọc theo bờ biển Trung Quốc thì các hoạt động quân sự khác đã tăng lên.

Trong quý 1-2020, Không quân Mỹ đã điều số lượng máy bay hoạt động trên biển Đông nhiều gấp 3 lần so với bất kỳ quý nào của năm 2019.

Hải quân Mỹ đã tiến hành 4 chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông trong quý đầu năm, trong đó có hai đợt diễn ra trong hai ngày liên tiếp. Con số này của cả năm 2019 là 8 chiến dịch.

Tàu USS Theodore Roosevelt hoạt động trên biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

Tàu USS Theodore Roosevelt hoạt động trên biển Đông hồi tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 4, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu tấn công đổ bộ USS America đã tập trận với một tàu khu trục Úc gần nơi xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia về hoạt động thăm dò dầu khí.

Ông Shi Yinhong, cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong "kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh mới" và mối quan hệ song phương đã thay đổi đáng kể từ vài tháng trước. Nói cách khác, sự gia tăng căng thẳng hiện nay ở biển Đông chỉ là một phần của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang xấu đi liên quan đến thương mại, tấn công mạng, vấn đề Đài Loan, trật tự quốc tế và cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á.

Một số khác lập luận rằng Mỹ tăng cường phô trương lực lượng ở biển Đông là hành động phản ứng đối với sự phớt lờ của Trung Quốc trước yêu cầu dừng các hành động gây hấn trong khu vực.

Giới chuyên gia chỉ ra vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, việc Trung Quốc thành lập các đơn vị hành chính trái phép ở biển Đông, các trạm nghiên cứu bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc triển khai một nhóm tàu sân bay trong khu vực.

Tàu HMAS Parramatta của Úc (trái) và 3 tàu chiến Mỹ tập trận tại biển Đông gần đây. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu HMAS Parramatta của Úc (trái) và 3 tàu chiến Mỹ tập trận tại biển Đông gần đây. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) cho biết sự gia tăng hoạt động quân sự của Mỹ một phần do thất bại trong các nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề nói trên. Điều này buộc Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự để chứng minh Washington nghiêm túc trong việc duy trì hiện trạng ở biển Đông và phát đi tín hiệu sẵn sàng duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực.

Các đồng minh của Washington ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ thay Mỹ chiếm ưu thế và Mỹ không thể đối đầu với Trung Quốc về các yêu sách phi lý ở biển Đông. Trước những kịch bản trên, Mỹ e rằng Trung Quốc có thể tận dụng sự vắng mặt quân sự của mình để đe dọa các nước láng giềng và đẩy mạnh triển khai lực lượng.

Xuân Mai (Theo SCMP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-trung-quoc-buoc-my-tang-cuong-hoat-dong-quan-su-tren-bien-dong-2020051809195815.htm