Chính trường Đức: 'Nóng' vấn đề người nhập cư

Chỉ trong vòng hơn một tuần, từ ngày 23 đến 31-8, nước Đức đã xảy ra 3 vụ tấn công nghiêm trọng được thực hiện bởi những người nhập cư. Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh cử tri Đức đang có những tranh luận trái chiều về vấn đề người tị nạn. Đây cũng là chủ đề nhiều đảng phái tập trung khai thác trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội liên bang (Bundestag) sẽ diễn ra vào tháng 9-2025.

Lực lượng an ninh Đức tại hiện trường vụ tấn công ngày 23-8 ở thành phố Solingen. Ảnh: Sky News

Lực lượng an ninh Đức tại hiện trường vụ tấn công ngày 23-8 ở thành phố Solingen. Ảnh: Sky News

Theo nhận định của nhiều nhà bình luận, 3 vụ tấn công liên tiếp đã trở thành “chất xúc tác” làm nên chiến thắng của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối chống nhập cư trong cuộc bầu cử tại bang miền Đông Thuringia. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, AfD giành được 32,8% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) đứng thứ hai với 23,6% phiếu bầu. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz chỉ giành được 6% ủng hộ của cử tri. Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu tại Đức đứng đầu trong một cuộc bầu cử cấp bang kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Tuy kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này không gây ra nhiều xáo trộn cho chính trường Đức nhưng dư âm của nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ tới, được ấn định vào tháng 9-2025. Nếu liên minh cầm quyền không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ liên quan tới chính sách nhập cư nhằm trấn an cử tri, mức độ tín nhiệm trong thời gian tới có nguy cơ tiếp tục xuống dốc. Đây là lý do Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz ngay lập tức tiến hành các biện pháp nhằm siết chặt an ninh và chính sách tị nạn, trong đó có đợt trục xuất công dân Afghanistan từng là tội phạm đã bị kết án vào cuối tháng 8 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, các biện pháp này được đưa ra để chống lại hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và bổ sung các quy định về vũ khí. Một trong những biện pháp đáng chú ý là dao sẽ bị cấm tại các lễ hội, sự kiện thể thao lớn, hội chợ thương mại tổ chức tại nơi công cộng… Bên cạnh đó, những yêu cầu về giấy phép sở hữu vũ khí cũng được thắt chặt để những phần tử cực đoan không thể tiếp cận vũ khí và chất nổ. Thủ tục tị nạn và cư trú, bao gồm cả việc quy định về trục xuất sẽ được tăng cường. Người xin tị nạn sẽ không được nhận trợ cấp ở Đức nếu đã đăng ký ở các quốc gia châu Âu khác. Những người tị nạn trở về quê hương mà không có lý do chính đáng có nguy cơ mất trợ cấp. Các cơ quan an ninh sẽ được trao thêm quyền để chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Mới đây (ngày 1-9), trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công bằng dao làm 3 người thiệt mạng, 8 người bị thương tại thành phố Solingen ngày 23-8, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố, Đức phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm hồi hương và trục xuất những người không thể và không được phép ở lại nước này.

Đức là một trong những quốc gia tiếp đón nhiều người tị nạn nhất ở châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng nhập cư 2015-2016. Nền kinh tế lớn nhất Cựu lục địa đã tiếp đón hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ Syria. Cùng với số lượng người nhập cư gia tăng, các nguy cơ về an ninh cũng leo thang. Những tháng gần đây, các vụ tấn công bằng dao liên tục được báo cáo. Số liệu từ cảnh sát liên bang ghi nhận đã có 430 vụ tấn công như vậy xảy ra trong nửa đầu năm 2024. Trong một báo cáo gần đây, Cục Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) đã cảnh báo, nguy cơ xảy ra các hành động bạo lực liên quan đến những phần tử thánh chiến Hồi giáo tại nước này vẫn ở mức cao. Điều này gây ra cuộc tranh luận khắp đất nước về việc tăng cường kiểm soát an ninh cũng như các khu vực cấm mang theo đồ vật sắc nhọn.

Cảnh sát Liên bang Đức đã trục xuất 21.206 người tị nạn vào năm ngoái, tuy nhiên, con số này thấp hơn so với dự trù là khoảng 53.000 người. Nhiều người không thể bị trục xuất vì thiếu giấy tờ, hoặc thiếu chỗ tại các nơi giam giữ. Cuộc tấn công bằng dao ở Solingen đã để lộ ra những lỗ hổng trong hệ thống tiếp nhận người tị nạn. Thủ phạm người Syria đã đến Đức vào tháng 12-2022. Sau đó, tên này đã nhận lệnh trục xuất sang Bulgaria, quốc gia đầu tiên đương sự đăng ký nhập cảnh vào châu Âu. Tuy nhiên, khi chính quyền tìm kiếm người đàn ông này để trục xuất thì đối tượng đã mất tích.

Thời điểm hiện tại, các nhà quan sát cho rằng, những chính sách về tị nạn và người di cư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đảng phái nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chinh-truong-duc-nong-van-de-nguoi-nhap-cu-676681.html