Chính trường Mỹ tiếp tục hỗn loạn
Trong tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống trước khi rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, ông Donald Trump vẫn đang tiếp tục làm 'khuấy đảo' chính trường Mỹ. Hiện đảng Dân chủ đang cân nhắc phương án Tu chính án thứ 25 nhằm loại bỏ ông Trump trước ngày mãn nhiệm, trong khi Tổng thống đương nhiệm và nhóm cố vấn thân tín còn sót lại vẫn nỗ lực thể hiện hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ của nước Mỹ.
Hạ viện Mỹ “mạnh tay”
Ngày 11/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo các nhà lập pháp tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu nhằm thông qua một nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, loại bỏ Tổng thống khỏi chức vụ nếu ông Trump không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bà Pelosi cũng cho biết Hạ viện Mỹ “sẽ tiến hành đưa ra dự luật luận tội”. Theo thông báo từ Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ilhan Omar, 2 điều khoản luận tội ông Trump sẽ được công bố, gồm: “lạm dụng quyền lực để thay đổi kết quả bầu cử ở Georgia” và kích động bạo lực tìm cách “đảo chính chống lại đất nước”. Hiện đã có 210 thành viên Hạ viện đồng ý biện pháp luận tội, tức gần đạt được đa số tại Hạ viện.
Đài CNN của Mỹ ngày 11/1 dẫn một nguồn tin thân cận với Phó Tổng thống Pence cho biết ông Pence không loại trừ khả năng sẽ viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump. Cụ thể, ông Pence hiện vẫn muốn giữ phương án này và có thể sẽ sử dụng trong trường hợp ông Trump trở nên bất ổn hơn. Cũng theo nguồn tin của CNN, hiện trong đội ngũ ông Pence cũng có lo ngại rằng nếu ông Pence viện tới Tu chính án thứ 25 trong Hiến pháp để phế truất, hay thậm chí tiến hành tiến trình luận tội thì ông Trump có thể sẽ có hành động đặt nước Mỹ vào rủi ro. Theo thông tin từ đài NBC (Mỹ), Tổng thống Trump không hề nói chuyện hoặc liên lạc với Phó Tổng thống Pence kể từ cuộc bạo loạn vào tuần trước tại Điện Capitol. Phó Tổng thống Pence từng là chiến binh trung thành của ông Trump qua nhiều cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh trên, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã phản đối những nỗ lực nhằm luận tội ông Trump do cuộc bạo động tại Đồi Capitol, đồng thời nhấn mạnh rằng động thái này sẽ chỉ khiến nước Mỹ “chia rẽ sâu sắc hơn”. Giám đốc Điều hành An toàn Công cộng và An ninh Quốc gia Mỹ Derek Maltz khẳng định không có lý do gì để Tổng thống Trump bị luận tội. Dù thừa nhận những gì diễn ra tại Đồi Capitol đã “đi quá xa” song ông Maltz cho rằng đảng Dân chủ và giới truyền thông đã không công bằng khi nhằm mọi chỉ trích vào Tổng thống Trump.
Theo thăm dò cử tri được hãng Reuters và Ipsos (Mỹ) công bố ngày 9/1, khoảng 57% người Mỹ trả lời bảng khảo sát muốn ông Trump bị phế truất ngay lập tức.
Vẫn bận rộn đến cuối cùng
Người phát ngôn Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Trump dự kiến có chuyến thăm tại Alamo, bang Texas, vào ngày 12/1 tới để ca ngợi các chính sách nhập cư của mình. Ông Trump cũng sẽ thăm một phần bức tường biên giới được dựng nên để ngăn người di cư vào Mỹ. Đây là chính sách dấu ấn trong cương lĩnh tranh cử của ông Trump hồi 4 năm trước. Tổng thống cũng sẽ chủ trì các buổi lễ trao Huân chương Tự do tại Nhà Trắng; đồng thời đang chuẩn bị thêm một đợt ân xá mới.
Theo một số nguồn tin thân cận khác, Tổng thống có khả năng tung thêm đòn trả đũa các công ty công nghệ lớn sau vụ bị cấm khỏi Twitter và Facebook, nhưng cách thức trả đũa vẫn chưa rõ. Bất chấp sức ép chính trị, ông Trump không đưa ra tín hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng từ chức. Bên cạnh đó một nhóm hạ nghị sĩ ngày 10/1 còn gửi thư cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, đề nghị ông thuyết phục Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không xúc tiến luận tội Tổng thống Trump.
Hà Anh
((Theo AP, Reuters))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-truong-my-tiep-tuc-hon-loan-n185281.html