Chính trường Nhật Bản: Chông gai phía trước
Chính trường Nhật Bản đang trở thành một biến số khó lường trong bức tranh châu Á và chỉ thời gian mới cho thấy hết hệ lụy mà lá phiếu của cử tri sẽ mang lại.

Liên minh cầm quyền do Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru lãnh đạo sẽ đối mặt không ít khó khăn nảy sinh từ kết quả bầu cử Thượng viện. (Nguồn: Bloomberg)
Kết quả kiểm phiếu kỳ bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần thứ 27 công bố ngày 21/7 cho thấy, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và đảng Công minh (Komeito) liên minh chỉ giành được 47 ghế, không đủ 50 ghế cần thiết để nắm thế đa số trong Thượng viện gồm 248 ghế.
Như vậy, liên minh rơi vào tình thế bấp bênh khi không có đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội, do sẵn mất thế đa số tại bầu cử Hạ viện hồi tháng Mười năm ngoái.
Trong khi đó, các đảng đối lập ghi nhận tín hiệu thăng, trầm khác nhau. Đảng Dân chủ lập hiến (CDP) giành được 22 ghế, giảm từ 38 ghế; Đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP) giành được bảy ghế, giảm từ 18 ghế. Đáng chú ý, phe cánh hữu đạt được những bước tiến lớn, khi Đảng Dân chủ nhân dân (DPP) có 17 ghế, tăng từ chín ghế; đảng Sanseito giành 14 ghế, tăng từ hai ghế.
Với cục diện trên, đảng cầm quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru sẽ đối mặt hai thách thức chính.
Thứ nhất, mất thế đa số đồng nghĩa chính phủ cầm quyền sẽ bị sức ép phải nhượng bộ để có được sự ủng hộ của một hoặc vài đảng đối lập trên từng dự luật thông qua tại Quốc hội. Trong khi các đảng đối lập vốn phân tán và có xu hướng đối đầu gay gắt. Thực tế là các đảng như CDP, JIP và DPP lên tiếng bác bỏ khả năng gia nhập liên minh mở rộng với phe LDP - Công minh.
Thứ hai, kết quả trên phản ánh sự thay đổi niềm tin cử tri Nhật Bản với đường lối lãnh đạo của liên minh cầm quyền LDP - Công minh. Giáo sư ngành khoa học chính trị Yu Uchiyama (Đại học Tokyo) nhận định, kết quả cho thấy đánh giá của cử tri đối với cách giải quyết nhiều vấn đề của chính phủ, nhất là trước sức ép lạm phát và giá cả leo thang.
Bên cạnh đó, sự nổi lên của các đảng dân túy như Sanseito, với thông điệp “Nhật Bản trên hết” và lập trường bài ngoại, phản ánh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Nhật Bản. Điều này báo hiệu một cuộc đua giành niềm tin cử tri giữa các chính đảng sẽ ngày càng gay gắt và khó lường hơn trong nội bộ chính trường Nhật Bản.
Giới quan sát nhận định Thủ tướng Ishiba Shigeru chỉ có hai lựa chọn: Nhanh chóng củng cố liên minh bằng những thỏa thuận chia sẻ quyền lực với một số đảng nhỏ, hoặc đối mặt với nguy cơ bị chính đảng của mình buộc phải rút lui. Cả hai con đường đều đầy chông gai.
Trả lời báo chí gần đây, Thủ tướng Ishiba Shigeru bày tỏ, việc các chính đảng khác đồng hành với chính phủ là điều rất cần thiết, giữa lúc nước này đang đối diện nhiều thách thức như vật giá leo thang, môi trường an ninh phức tạp và thảm họa thiên tai. Đây có thể xem là “lời hiệu triệu” đoàn kết kịp thời để xứ sở mặt trời mọc vượt qua bất đồng trong nước, tránh tạo khoảng trống chính trị và giải quyết các thách thức trước mắt.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng, “điều quan trọng nhất là không để chính trường rơi vào tình trạng đình trệ”, cũng như hoàn thành trách nhiệm với tư cách đảng lớn nhất trong Quốc hội và phấn đấu vì nền chính trị quốc gia. Cú trượt lần này có thể là động lực để liên minh cầm quyền có những sự điều chỉnh nhằm giành lại niềm tin của cử tri, thích ứng linh hoạt với đòi hỏi mới của xã hội.
Kết quả bầu cử Thượng viện đã đẩy liên minh cầm quyền vào một tình thế hiếm thấy trong lịch sử chính trị hậu chiến của Nhật Bản, báo hiệu thời kỳ khó khăn đối với chính phủ nước này trong bối cảnh kinh tế trì trệ, lạm phát kéo dài và các đảng đối lập ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Chính trường Nhật Bản, vì thế, đang trở thành một biến số khó lường trong bức tranh châu Á và chỉ thời gian mới cho thấy hết hệ lụy mà lá phiếu của cử tri ngày 21/7 sẽ mang lại.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-truong-nhat-ban-chong-gai-phia-truoc-322128.html