Chính trường Pakistan 'hạ nhiệt' sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan được trả tự do
Việc cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan được thả chỉ sau 2 ngày bị bắt giữ được cho là nhằm 'hạ nhiệt' tình hình sau khi các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra trên khắp Pakistan.
Nguy cơ bạo lực leo thang
Các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra trên khắp Pakistan sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan - Chủ tịch đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) đã bị bắt giữ vào chiều 9-5. Ông Khan lẽ ra bị tạm giam trong 8 ngày vì cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, người biểu tình ủng hộ ông đã đốt phá, giơ các khẩu hiệu bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ lãnh đạo đảng đối lập. Họ cũng phóng hỏa, phong tỏa các con đường và tràn vào một số trụ sở của quân đội. Thậm chí một nhóm người đã tiến vào khuôn viên Tổng hành dinh của quân đội ở Rawalpindi cũng như nơi ở của Tư lệnh quân đội Pakistan ở Lahore. Trong khi đó, một đám đông đã ném đá vào nhà ông Rana Sanaullah - Bộ trưởng Nội vụ Pakistan tại Faisalabad. Một số lớn người dân đã dừng giao thông trên các đường cao tốc chính tại thành phố Lahore.
Hôm 10-5, Cảnh sát Pakistan xác nhận đã bắt giữ ít nhất 945 người ở tỉnh Punjab sau khi đám đông ủng hộ cựu Thủ tướng Imran Khan liên tiếp đập phá rồi đốt 25 xe cảnh sát và 14 tòa nhà trụ sở chính quyền. Pakistan có 4 tỉnh và 3 trong số đó đã ban bố lệnh cấm tụ tập để ngăn nguy cơ biểu tình biến thành bạo lực. Trong vòng 2 ngày, tình trạng bạo lực đã làm ít nhất 9 người thiệt mạng, hàng trăm cảnh sát bị thương và hơn 2.000 người biểu tình quá khích bị bắt giữ. Chính phủ Pakistan đã phải huy động quân đội hỗ trợ chấm dứt tình trạng bạo loạn.
Ông Imran Khan (72 tuổi) lên làm Thủ tướng vào năm 2018. Tuy nhiên đến tháng 4-2022, ông bị phế truất với cáo buộc điều hành kinh tế kém và không diệt trừ được tham nhũng như cam kết. Vị cựu Thủ tướng đối mặt với hàng chục vụ kiện và điều tra sau khi mất chức. Ông Khan luôn phủ nhận có tội và tuyên bố các vụ điều tra là âm mưu chính trị loại ông khỏi cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.
Cựu lãnh đạo Pakistan Imran Khan bị bắt chiều 9-5 khi ông đang có mặt tại Tòa án Tối cao Islamabad để lấy sinh trắc học phục vụ quá trình tố tụng ở một cáo buộc pháp lý khác. Ông Imran Khan bị Cục Trách nhiệm giải trình quốc gia (cơ quan chống tham nhũng của Pakistan) bắt giữ vì cáo buộc nhận hàng tỷ rupee từ một công ty bất động sản trong vụ án Quỹ Ủy thác Al-Qadir do chính ông sáng lập. Trước đó, hồi tháng 3-2023, cảnh sát Pakistan từng đến nhà của ông Khan ở Lahore để thực thi lệnh bắt vì ông không ra hầu tòa do liên quan đến cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, việc này bất thành do bị hàng trăm người ủng hộ ông Khan ngăn cản.
Nước cờ “hạ nhiệt”
Trước tình hình đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực mới khi những người ủng hộ cựu Thủ tướng đụng độ với cảnh sát, trong phán quyết ngày 11-5, Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố hành động bắt giữ ông Imran Khan là bất hợp pháp. Tòa cũng nhấn mạnh, cơ quan chống tham nhũng Pakistan không có quyền bắt cựu Thủ tướng. Ông Umar Ata Bandial - Chánh án Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố ông Khan được tự do. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, cựu Thủ tướng được yêu cầu ở lại Tòa Cấp cao Islamabad. Tòa cũng yêu cầu cảnh sát phải bảo vệ an toàn cho ông Khan, xem Tòa Cấp cao Islamabad như “tư dinh” của cựu thủ tướng. Tòa án Tối cao - nơi nổi lên như một tổ chức quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan - quyết định rằng, tối đa 10 khách sẽ được phép đến thăm cựu Thủ tướng trong ngày.
Phán quyết của Tòa án Tối cao có thể mở cho Chính phủ Pakistan một lối thoát trong bối cảnh bất ổn leo thang. Ông Michael Kugelman - Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson (Mỹ) nhận định: “Nhà nước Pakistan có thể kết luận tốt nhất là chọn chiến lược lùi lại, trả tự do cho ông Khan, hạ nhiệt chính trị xuống một chút và sau đó tập trung vào các bước tiếp theo”. Quy mô của các cuộc biểu tình cũng là một dấu hiệu cho thấy ông Imran Khan vẫn được nhiều cử tri yêu mến ngay cả khi 1 năm sau khi Quốc hội lật đổ ông khỏi vị trí Thủ tướng. Một số người ủng hộ cựu Thủ tướng nghi ngờ mục tiêu cuối cùng của chính phủ và quân đội có thể là để ngăn đảng của họ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Theo Reuters/Washington Post