Chính trường Thái Lan hết bế tắc

Ông Srettha Thavisin, người của Đảng Pheu Thai, đã giành đủ số phiếu cần thiết tại Quốc hội để trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan ngày 22-8.

Theo báo Bangkok Post, ông Srettha là ứng viên duy nhất của cuộc bỏ phiếu và nhận được 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống, 81 phiếu trắng của lưỡng viện Quốc hội.

Trước đó 1 ngày, Pheu Thai và 10 đảng khác công bố liên minh nhằm hướng đến lập chính phủ mới, qua đó phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5. Liên minh này nắm tổng cộng 314/500 ghế Hạ viện.

Ông Srettha là tỉ phú bất động sản, gia nhập chính trường Thái Lan chỉ vài tháng trước. Ông tham gia cuộc đua vào ghế thủ tướng sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 16-8 ra phán quyết từ chối xem lại quyết định của quốc hội về việc ngăn ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), được tái đề cử làm ứng viên thủ tướng.

MFP là đảng dẫn đầu cuộc bầu cử khi giành được 151 ghế Hạ viện, theo sau là Đảng Pheu Thai với 141 ghế.

Ông Srettha Thavisin tại cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 22-8 Ảnh: REUTERS

Ông Srettha Thavisin tại cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại thủ đô Bangkok - Thái Lan ngày 22-8 Ảnh: REUTERS

Ông Srettha trước đó vận động tranh cử với cam kết kích thích kinh tế, công bằng xã hội và quản trị tốt hơn.

Ông nói với trang Bloomberg hồi tháng 4 rằng các ưu tiên của mình trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền sẽ là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, bảo đảm bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn thảo hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện của người dân.

Ông Srettha còn giới thiệu chính sách hàng đầu của Đảng Pheu Thai là cung cấp 10.000 baht (khoảng 6,8 triệu đồng) thông qua ví điện tử cho người từ 16 tuổi trở lên. Ông khẳng định sẽ tuân theo các cam kết trong chiến dịch tranh cử của Pheu Thai, như tăng 70% mức lương tối thiểu, bảo đảm thu nhập hộ gia đình 20.000 baht/tháng và tăng gấp 3 lần lợi nhuận nông nghiệp để nâng tăng trưởng kinh tế lên mức 5%.

Trong ngày 22-8, chính trường Thái Lan còn chứng kiến một sự kiện đáng chú ý khác khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước sau 15 năm sống lưu vong. Trước khi về nước, ông Thaksin, 74 tuổi, nhấn mạnh quyết định trở lại của ông không liên quan gì đến nỗ lực lên nắm quyền của Đảng Pheu Thai.

Ngay sau khi trở về, ông Thaksin đã đến Tòa án Tối cao Thái Lan rồi sau đó là nhà tù. Theo Reuters, Tòa án Tối cao cho biết ông Thaksin phải thi hành bản án 8 năm tù.

Theo ông Sithi Sutheewong, Cục phó Cục Cải huấn, ông Thaksin đủ điều kiện để nộp đơn xin ân xá của Hoàng gia Thái Lan từ ngày đầu tiên ở trong tù. Đơn xin ân xá có thể do chính ông Thaksin hoặc người thân chuẩn bị.

Một ủy ban của Cục Cải huấn sẽ xem xét, gửi đơn này tới Bộ Tư pháp và thủ tướng trước khi chuyển đến Quốc vương. Toàn bộ tiến trình này có thể được hoàn tất trong 1 đến 2 tháng.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-truong-thai-lan-het-be-tac-20230822205114287.htm