Chính trường Thái Lan sang trang mới

Trở thành thủ tướng Thái Lan ở tuổi 37, bà Paetongtarn Shinawatra không chỉ làm nên lịch sử mà còn đối mặt nhiều thử thách phía trước

Hạ viện Thái Lan ngày 16-8 bỏ phiếu bầu bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, làm thủ tướng thứ 31 của đất nước.

Với kết quả 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng, bà Paetongtarn trở thành vị thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Thái Lan, thay cho người tiền nhiệm Srettha Thavisin vừa bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm hôm 14-8 vì bổ nhiệm một bộ trưởng từng bị kết tội hình sự.

Trong cuộc họp báo sau phiên bỏ phiếu, bà Paetongtarn cam kết nỗ lực hết sức để thực hiện nhiệm vụ, bất kể phía trước là thử thách gì. "Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội, cải thiện chất lượng sống và trao quyền cho tất cả người dân Thái Lan" - bà khẳng định.

Là con út trong số 3 người con của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người điều hành đất nước từ năm 2001-2006, bà Paetongtarn cũng là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra trở thành thủ tướng của Thái Lan, sau cha bà và người cô ruột Yingluck Shinawatra (2011-2014). Đó là chưa kể ông Somchai Wongsawat, anh rể ông Thaksin, với thời gian ngắn làm thủ tướng Thái Lan trong năm 2018.

Theo báo The Nation, bà Paetongtarn chính thức bước chân vào chính trường vào tháng 10-2021, khi bà đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Đổi mới và Hòa nhập của Đảng Pheu Thai.

Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu sau khi được quốc hội Thái Lan bầu làm thủ tướng tiếp theo của đất nước vào ngày 16-8. Ảnh: REUTERS

Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu sau khi được quốc hội Thái Lan bầu làm thủ tướng tiếp theo của đất nước vào ngày 16-8. Ảnh: REUTERS

Bà có sự thể hiện nổi bật suốt chiến dịch tranh cử của Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái. Tuy đang mang thai song bà gần như không hề vắng mặt, đến khi gần sinh con, không đi lại được nữa bà vẫn vận động tranh cử thông qua video tại các sự kiện.

Kết quả, tuy Pheu Thai chỉ về nhì trong cuộc bầu cử vào tháng 5-2023 nhưng lại được phép thành lập chính phủ sau khi ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat của Đảng Tiến bước (mới bị giải tán gần đây) bị quốc hội Thái Lan tước tư cách.

Pheu Thai sau đó cùng 10 đảng khác lập liên minh và ông Srettha trở thành thủ tướng. Đến tháng 10 cùng năm, bà Paetongtarn được bầu làm lãnh đạo Đảng Pheu Thai. Trong chính phủ của người tiền nhiệm Srettha, bà đảm trách ủy ban về thúc đẩy quyền lực mềm của Thái Lan ra nước ngoài.

Trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan, lợi thế lớn của bà Paetongtarn cũng nằm ở "sức trẻ". Với biệt danh Ung Ing, bà nhanh chóng thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ tuổi.

Sau khi sinh con thứ hai đầu tháng 5-2023, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử, bà Paetongtarn thường chia sẻ phong cách sống trên tài khoản Instagram có hơn một triệu lượt đăng ký theo dõi của mình.

Việc bà Paetongtarn trở thành thủ tướng chứng tỏ sức mạnh đáng gờm của gia tộc Shinawatra, nhất là sau khi ông Thaksin trở về nước vào năm ngoái, chấm dứt 15 năm lưu vong.

Song, điều này đồng thời tiềm ẩn thách thức không nhỏ. Cả ông Thaksin và bà Yingluck đều bị quân đội lật đổ vào các năm 2006 và 2014. Việc ông Srettha là thủ tướng thứ tư của Thái Lan bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm trong 16 năm qua cũng chỉ ra sự bất ổn trên chính trường vốn chịu nhiều chi phối của giới bảo thủ và quân đội của nước này.

Một số hình ảnh của bà Paetongtarn tại cuộc họp báo tối 16-8. Ảnh: Reuters

Một số hình ảnh của bà Paetongtarn tại cuộc họp báo tối 16-8. Ảnh: Reuters

"Bà ấy sẽ phải chịu rất nhiều áp lực và phải cậy nhờ cha mình" - ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học về chính trị của Trường ĐH Chulalongkorn, nhận định với Reuters.

Một mặt thừa nhận ảnh hưởng của gia đình, mặt khác bà Paetongtarn khẳng định: "Tôi không phải cái bóng của cha. Tôi là con gái của ông ấy, mãi mãi là vậy, nhưng tôi có những quyết định của riêng mình" - bà nhấn mạnh với phóng viên Reuters trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái.

Với vốn kinh nghiệm chính trị còn khiêm tốn, lại chưa từng nắm giữ bất cứ vị trí nào trong chính phủ dân cử hay bộ máy hành chính, theo truyền thông địa phương, bà Paetongtarn sẽ gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là khi nền kinh tế Thái Lan còn đang chật vật hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Ông Srettha và Đảng Pheu Thai vẫn chưa thực hiện được một trong những chính sách trọng tâm của đảng này là chương trình phát 10.000 baht (276 USD) vào ví điện tử cho mỗi người dân đủ điều kiện để kích thích kinh tế.

"Gien chính trị"

Reuters cho biết ngay từ khi còn nhỏ, bà Paetongtarn Shinawatra đã theo chân cha mình trong những chuyến công tác khắp đất nước, hấp thu kinh nghiệm chính trị cũng như hiểu biết về nhu cầu của người dân. Khi trưởng thành, bà nói một trong những nguồn cảm hứng đưa bà vào chính trường chính là "gien Thaksin" mà bà thừa hưởng từ cha mình - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

"Năm tôi lên 8, cha tôi bắt đầu làm chính trị. Kể từ ngày đó, cuộc đời tôi và chính trị cũng bện lấy nhau" - bà cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 3 năm nay. Theo báo The Nation, chính cựu Thủ tướng Thaksin cũng từng khẳng định ông tin con gái mình đủ khả năng làm thủ tướng.

Biến cố với cha vào năm 2001 cũng là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất với bà Paetongtarn. "Nhiều lúc tôi nhìn thấy hình của cha bị dán trên tường và gạch chéo. (…) Ở tuổi 20, sống giữa sự thù ghét là điều rất khó vượt qua" - bà trải lòng.

Bà Paetongtarn tốt nghiệp cử nhân Khoa học chính trị tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) vào năm 2008, sau đó lấy bằng thạc sĩ quản trị khách sạn tại Trường ĐH Surrey (Anh).

Bà trở về nước và tham gia điều hành đế chế kinh doanh của gia đình, trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty Bất động sản SC Asset và là thành viên hội đồng quản trị Thaicom Foundation. Năm 2019, bà kết hôn với phi công Pidok Sooksawas và hiện có hai con.

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-truong-thai-lan-sang-trang-moi-196240816215256113.htm