Chính trường vạn lần nghiệt ngã hơn sân cỏ
Ngày 14/12, ông Mikheil Kavelashvili, cựu cầu thủ Manchester City - chính trị gia thuộc đảng cầm quyền Georgia Dream, chính thức được bầu làm Tổng thống mới của Georgia với kết quả 224/300 phiếu ủng hộ. Cuộc bầu cử này là sự kiện đặc biệt, khi lần đầu tiên Tổng thống Georgia không được chọn thông qua bầu cử phổ thông mà bằng phiếu trực tiếp từ 300 đại biểu bầu cử, gồm các đại biểu Quốc hội và đại diện chính quyền địa phương.
Từ sân cỏ đến ghế tổng thống
Mikheil Kavelashvili sinh ngày 22/7/1971. Cũng như nhiều cầu thủ hàng đầu khác của Georgia (khi đó còn gọi là Gruzia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ), năm 1988, Kavelashvili bắt đầu sự nghiệp của mình tại CLB Dinamo Tbilisi. Là một tiền đạo khéo léo, chàng trai nhanh chóng khẳng định vị trí trong đội hình chính của Dinamo. 7 năm sau, năm 1995, anh chuyển đến CLB Nga Spartak Vladikavkaz. Kavelashvili cũng là một trong những cái tên thường xuyên trong đội tuyển quốc gia Georgia, ra sân 46 lần và ghi được 9 bàn thắng từ năm 1991 đến 2002.
Tháng 3/1996, Kavelashvili được chuyển nhượng cho CLB Manchester City với giá 2 triệu bảng. Ngày 6/4/1996, Kavelashvili ra mắt đội bóng, ghi bàn trong trận derby gặp Manchester United. Tại Manchester City, anh ra sân 25 trận và ghi được 3 bàn thắng.
Các đồng đội cũ ở Manchester City vẫn nhớ Kavelashvili khi đó là người “rất điềm tĩnh, khiêm tốn, hòa nhập tốt mà không bao giờ trở thành ngôi sao của buổi diễn hoặc tìm kiếm sự chú ý; một chàng trai trẻ dễ thương, luôn cười, lịch thiệp và rất hạnh phúc khi ở Manchester”.
Kết thúc mùa giải 1996-1997, Manchester City đứng vị trí thứ 14, sau Barnsley, Port Vale và Tranmere Rovers. Sau khi Manchester City bị xuống hạng, anh thi đấu 24 trận, ghi được 2 bàn tại giải Football League First Division. Tuy nhiên, kết quả này không đủ để anh được gia hạn giấy phép lao động. Mùa hè năm 1997, Kavelashvili rời Manchester City, không ai chú ý đến sự ra đi ấy vì sự ảnh hưởng của anh quá nhỏ.
Năm 1998, Kavelashvili sang Thụy Sĩ chơi bóng và lần lượt thi đấu cho 4 câu lạc bộ: FC Zurich, Luzern, Aarau, Basel. Đây là nơi mà anh tỏa sáng khi ghi tới 28 bàn sau 80 trận cho FC Zurich. Mùa thu năm 2004, CLB Aarau cho CLB Vladikavkaz mượn Kavelashvili, nhưng anh chỉ chơi 7 trận rồi quay trở lại Thụy Sĩ.
Mùa giải 2005-2006, Kavelashvili gia nhập đội 1 của CLB Basel dưới sự dẫn dắt của HLV Christian Gross. Trong mùa giải đầu tiên tại Basel, Kavelashvili có 10 lần ra sân, tất cả đều từ ghế dự bị. Ở mùa giải thứ hai, anh ra sân thêm 7 lần, cũng đều từ ghế dự bị. Năm 2006, trong màu áo Basel, Kavelashvili đã ghi 4 bàn trước khi giải nghệ ở tuổi 35. Trong thời gian thi đấu ở Thụy Sĩ, Kavelashvili đã đoạt được nhiều danh hiệu và có tổng cộng 396 lần ra sân cùng 166 bàn thắng.
Sau khi giải nghệ, Kavelashvili chuyển sang một con đường hoàn toàn mới khi bước chân vào chính trường, trở thành nhân vật quan trọng của đảng Giấc mơ Georgia. Năm 2016, cựu cầu thủ từng được các đồng đội cũ mô tả là “điềm tĩnh và khiêm tốn” được bầu vào Quốc hội Georgia.
Thách thức phía trước
Georgia nằm tại giao giới của Tây Á và Đông Âu, phía Tây giáp biển Đen, phía Bắc giáp Nga, phía Nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, phía Đông Nam giáp Azerbaijan với dân số 3,7 triệu người. Georgia từng là một trong những quốc gia thân phương Tây nhất sau khi Liên Xô tan rã. Từ những năm 1990, Georgia đã tuyên bố lộ trình hướng tới gia nhập EU. Năm 2014, Georgia trở thành thành viên liên kết của EU và năm 2017, chế độ miễn thị thực giữa Georgia và khu vực Schengen được thiết lập. Tháng 3/2022, Georgia nộp đơn xin gia nhập EU và trở thành ứng viên vào tháng 12/2023. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Georgia và EU đã vượt mốc 4,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự Nga và Ukraine tháng 2/2022, mối quan hệ Georgia với phương Tây đã xấu đi khi nước này từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Với lập trường cân bằng và thực dụng, thay vì phụ thuộc quá mức vào phương Tây, Georgia có thể tìm kiếm một con đường trung lập hơn, nơi mà cả Nga và phương Tây đều có thể trở thành đối tác. Nga gần đây tuyên bố họ cởi mở với việc thương lượng liên quan tới khả năng rút quân khỏi Abkhazia và Nam Ossetia, 2 vùng ly khai của Georgia.
Với quan điểm giữ cho Georgia tránh xa các cuộc xung đột và không bị lôi kéo vào các tranh chấp quốc tế, Thủ tướng Kobakhidze khẳng định trong một thế giới đầy biến động, Georgia cần đứng vững để bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo tương lai hòa bình cho người dân. Vì vậy, Thủ tướng Kobakhidze và chính quyền của ông ngày càng có quan hệ xấu đi với phương Tây. Mỹ thậm chí đã công bố lệnh trừng phạt đối với Thủ tướng Kobakhidze, các thành viên trong chính quyền của ông và các thành viên của đảng Giấc mơ Georgia vì "phá hoại nền dân chủ ở Georgia”.
Tháng 5/2024, Quốc hội Georgia thông qua “Dự luật minh bạch về tầm ảnh hưởng của nước ngoài”. Luật yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông và cá nhân nhận hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký là tổ chức “chịu ảnh hưởng từ nước ngoài” và tiết lộ các nhà tài trợ của họ.
Ngay sau khi luật này được thông qua đã gây ra tranh cãi trong dư luận Georgia. Người ủng hộ nói dự luật làm tăng tính minh bạch của truyền thông, là điều cần thiết để thúc đẩy minh bạch, chống lại "các giá trị tự do giả hiệu" từ nước ngoài và bảo vệ chủ quyền của Georgia. Thủ tướng Kobakhidze khẳng định nếu không có luật minh bạch, các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ hoạt động ở nước này có thể dễ dàng kích động một cuộc cách mạng giống như cuộc đảo chính “Maidan” do Mỹ hậu thuẫn ở Ukraine vào năm 2014.
Trong khi đó, những người phản đối lo ngại việc thông qua luật này sẽ cản trở cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Georgia, khi nước này đã nộp đơn gia nhập vào năm 2022, được trao tư cách ứng viên tháng 12/2023. Giới chức EU nhiều lần khẳng định dự luật này có hiệu lực sẽ giảm cơ hội Georgia vào EU.
Ngày 26/10/2024, Georgia tổ chức bầu cử Quốc hội. Chiến thắng thuộc về đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền với 54% phiếu bầu (89/150 ghế trong Quốc hội). Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Quốc hội Georgia chỉ có một đảng nắm quyền. Quốc hội 150 ghế hiện chỉ có 89 đại biểu làm việc, tuy vẫn đủ để bỏ phiếu cho các nghị quyết yêu cầu quá bán, nhưng bị phe đối lập gồm 4 đảng phái, nhận được 61 ghế sau cuộc bầu cử, đã tẩy chay kết quả và từ chối hợp tác. Cuộc bầu cử này cũng đã khơi dậy làn sóng phản đối từ một bộ phận người dân. Hàng nghìn người đã biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội hằng đêm trong hơn 2 tuần, lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông.
Không những thế, Nghị viện châu Âu (EP) sau đó đã thông qua nghị quyết về việc không công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Georgia ngày 26/10, muốn nước này tổ chức cuộc bỏ phiếu mới dưới sự kiểm soát của quốc tế. EP cũng kiến nghị Hội đồng châu Âu (EC) áp dụng các biện pháp trừng phạt với một số lãnh đạo Georgia và xem xét lại chế độ miễn thị thực cho công dân Georgia đến các nước Schengen. Trong khi đó, Thủ tướng Kobakhidze cũng tuyên bố từ nay đến năm 2028, Georgia sẽ không đàm phán việc gia nhập và từ chối mọi khoản viện trợ từ EU. Bạo loạn nổ ra ở Georgia sau khi chính phủ của Thủ tướng Kobakhidze tuyên bố sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU.
Trong bài phát biểu ngày 2/12, Tổng thống đương nhiệm Salome Zourabichvili muốn các nước châu Âu gửi một "thông điệp rõ ràng" rằng họ sẽ không công nhận kết quả của cuộc bầu cử hôm 26/10 và thúc đẩy tổ chức bỏ phiếu lại.
Vì vậy, dù đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia có kế hoạch mở rộng nền kinh tế trong 4 năm tới nhưng theo giới quan sát, việc đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập EU đến năm 2028 sẽ có tác động tiêu cực với nền kinh tế Georgia.
Kể từ năm 2017, sau khi Georgia thông qua những thay đổi trong hiến pháp, tổng thống là vị trí chủ yếu mang tính nghi lễ. Theo đó, Tổng thống sẽ được bầu bởi một đoàn đại cử tri 300 người, gồm các nghị sĩ, Ủy viên Hội đồng Tối cao Cộng hòa tự trị Ajara và Hội đồng Tối cao Cộng hòa tự trị Abkhazia, cùng đại diện từ các cơ quan chính quyền địa phương. Với việc đảng Giấc mơ Georgia kiểm soát tại Quốc hội nên việc ông Kavelashvili đắc cử đã được dự đoán trước.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, Tổng thống đương nhiệm Zourabichvili nói rằng bà không có ý định rời khỏi dinh tổng thống dù nhiệm kỳ của bà sắp chính thức kết thúc vì "khi một tổng thống mới được bầu hợp pháp thông qua một cuộc bầu cử, tôi sẽ vui vẻ trao lại ghế của mình cho ông ấy".
Phe đối lập cũng tuyên bố sẽ tiếp tục coi bà Zourabichvili là tổng thống hợp pháp, kể cả sau khi ông Kavelashvili nhậm chức vào ngày 29/12 tới.
Đáp trả tuyên bố này, Thủ tướng Georgia Kobakhidze khẳng định: “Bà Salome Zourabishvili chỉ còn 4 ngày thứ Sáu nữa” và “vào ngày 29/12, bà ấy sẽ phải rời khỏi nhiệm sở và bàn giao tòa nhà này cho một tổng thống được bầu hợp pháp”. Đồng thời, ông Kobakhidze đã bác bỏ khả năng tổ chức lại bầu cử Quốc hội.
Vì thế, dù chỉ là một vị trí mang tính nghi lễ, nhưng ông Kavelashvili sẽ phải giải quyết thách thức lớn, đó là tạo được sự đoàn kết để ổn định đất nước.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chinh-truong-van-lan-nghiet-nga-hon-san-co-i754857/