Chịu không nổi, đại gia Hà Nội bán rẻ khách sạn trăm tỷ ở Đà Nẵng cắt lỗ
Những ngày đầu năm Tân Sửu, trên các diễn đàn bất động sản hàng loạt khách sạn ven biển ở Đà Nẵng đăng thông tin rao bán.
Rao bán khách sạn rầm rộ
Theo khảo sát, ra Tết, các khách sạn khu vực ven biển ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được rao bán nhiều hơn cả.
Trên một trang quảng cáo nhà đất, có tới hàng chục thông tin rao bán khách sạn ở Đà Nẵng được đưa lên trong ngày 22/2. Đơn cử, một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp có diện tích 600 m2, cao 19 tầng với 125 phòng lưu trú và 2 phòng hội nghị được rao bán giá 440 tỷ đồng.
Tương tự, trên các tuyến đường như Hà Bổng, Trần Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương,... nhiều khách sạn cũng rao bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Anh Hoàng Lâm chủ một khách sạn trên đường Trần Bạch Đằng, cho biết, không chỉ riêng anh, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực lưu trú tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Mặc dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, các chủ sở hữu buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng. Việc rao bán khách sạn không thể tránh khỏi khi nguồn thu không có mà chi phí vận hành bỏ ra mỗi ngày lớn”, anh Lâm chia sẻ.
Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới khách sạn, anh Đỗ Văn Hiển (nhân viên Công ty Dana Hotel), nói rằng, từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng đến nay, có rất nhiều khách sạn rao bán. “Khách sạn bán phần lớn từ 2 đến 4 sao. Giá hiện nay cũng giảm khoảng 20% và người mua chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc”, anh Hiển cho hay.
Theo anh Hiển, hiện nay loại hình khách sạn 3 sao có giá từ 20 đến 100 tỷ đồng. Khách sạn 4 sao thấp nhất là 280 tỷ đồng. Giá trị từng khách sạn thay đổi tùy vào vị trí, diện tích, chất lượng, số căn, thương hiệu,...
Còn loại hình từ 4 đến 5 sao vì có thương hiệu lớn nên giao dịch rất kín. Chủ khách sạn sẽ lựa chọn những nhà môi giới uy tín, đăng thông tin khéo léo để làm việc và khách hàng muốn mua phải chứng minh được nguồn tài chính của mình.
Quy luật của thị trường
Theo anh Hiển, từ khi dịch bùng phát tới nay, các thu nhập của các khách sạn sụt giảm, trong khi đó chi phí vận hành, lãi vay quá lớn dẫn tới không trụ được phải rao bán.
“Giai đoạn 2016-2019 không ai bán khách sạn vì khai thác quá tốt. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến giờ khách lưu trú nhỏ giọt, trong khi chi phí để vận hành, trả tiền vay ngân hàng là rất lớn. Vì thế, rao bán khách sạn là điều không thể tránh khỏi”, anh nói.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thừa nhận do các dịch vụ du lịch gần như đóng băng, xuất hiện tình trạng nhiều khách sạn rao bán. “Thời điểm trước Tết, dịch tái bùng phát khiến các nguồn khách dừng lại. Lượng khách hủy, lùi kế hoạch đi đến Đà Nẵng ghi nhận tới khoảng 90%. Do đó, việc nhiều khách sạn rao bán là điều hết sức bình thường khi lượng khách suy giảm nhanh chóng”, ông Dũng đánh giá.
Ông Dũng cho rằng, việc rao bán khách sạn là quy luật của thị trường, đây có thể là thời điểm sàng lọc, tái cấu trúc lại phân khúc nghỉ dưỡng.
“Nếu những doanh nghiệp định hướng bền vững sẽ tồn tại lâu dài, hoặc các nhà đầu tư mới có tâm huyết hơn sẽ tạo ra sự thay đổi đột phá cho thị trường nghỉ dưỡng. Đôi khi, đó cũng là cơ hội để điểm đến nâng cao chất lượng, phục vụ du khách tốt hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tháng 1/2021 ước đạt 251.094 lượt, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%.
Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 1/2021 giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.