Chờ bước tiến hòa bình ở miền Đông Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh 'Bộ tứ Normandy' dự kiến diễn ra vào cuối tháng này được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy lộ trình chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine, qua đó mở ra hy vọng về việc tạo lập một nền hòa bình thực sự cho quốc gia Đông Âu.
“Định dạng Normandy” chính thức được hình thành năm 2014, khi lãnh đạo 4 nước: Nga, Ukraine, Pháp và Đức lần đầu tiên thảo luận trực tiếp về giải pháp "hạ nhiệt" căng thẳng tại miền Đông Ukraine nhân Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày quân Đồng minh tiến hành cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy của Pháp (6-6-1944 / 6-6-2014). Nhiều cuộc đàm phán theo định dạng này đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến duy nhất hiện nay trên lục địa châu Âu. Trong số đó, Thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của "Bộ tứ Normandy" được xem là con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine.
Cuộc họp gần đây nhất của lãnh đạo các nước có liên quan đến hồ sơ Ukraine diễn ra ngày 9-12-2019 tại Paris (Pháp). Các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung 3 điểm về kết quả hội nghị, bao gồm: Thỏa thuận Minsk về giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine tiếp tục là nền tảng cho công việc của "Bộ tứ Normandy"; bổ sung điều khoản mới trước cuối tháng 3-2020 về việc phân chia, bố trí lực lượng ở vùng Donbass (Ukraine); cam kết ủng hộ việc thực thi toàn diện chế độ ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đến cuối năm 2019 và kêu gọi các bên tổ chức trao đổi người bị bắt giữ trước cuối năm 2019.
Dù vậy, hiệu quả những cam kết của các bên đến nay còn hạn chế. Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vẫn thông báo về các vụ pháo kích mới trên đường giới tuyến, đồng thời cho biết họ bị từ chối tiếp cận các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine kể từ cuối tháng 3-2020 do dịch Covid-19. Đến ngày 27-7, “tia hy vọng” lại được nhen nhóm khi cuộc họp trực tuyến giữa đại diện của Ukraine, Nga và OSCE đã đạt được thỏa thuận các bên ngừng mọi hành động tấn công, do thám nhằm tạo điều kiện thực hiện những giải pháp mà các nhà lãnh đạo "Bộ tứ Normandy" đạt được. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, chỉ huy các lực lượng tác chiến chung của Ukraine Volodymyr Kravchenko cáo buộc các lực lượng ở miền Đông tiếp tục vi phạm lệnh ngừng bắn khi tấn công bằng nhiều loại vũ khí vào các lực lượng của Chính phủ Ukraine.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ở Kiev cuối tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng thừa nhận có những điểm trong tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12-2019 không được thực thi đầy đủ. Trong khi đó, hội nghị lại chưa giải quyết được một số vấn đề then chốt như: Khung thời gian tiến hành bầu cử địa phương hay việc kiểm soát biên giới ở khu vực hiện do lực lượng nổi dậy nắm giữ. Theo ông Heiko Maas, những vấn đề này cần được thảo luận một cách nghiêm túc từ cấp cố vấn chính trị. “Các bên liên quan nên biết rằng chúng ta gặp nhau không phải để nhắc lại những gì đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh tại Paris, mà là để rà soát kết quả thực hiện những gì đã thỏa thuận và bàn cách đưa những quyết định khác vào thực tế”, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh tại Paris, các bên đã nhiều lần nhóm họp ở những cấp độ khác nhau, gồm cả cấp ngoại trưởng và cố vấn chính trị. Cuộc họp mới nhất ở Berlin (Đức) vào ngày 11-9 giữa các cố vấn chính trị đã không ghi nhận bất cứ bước đột phá nào. Tuy nhiên, Phó chánh văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak cho biết, giới chức ngoại giao các nước đã nhất trí tiếp tục đối thoại và cam kết sẽ đưa ra các giải pháp đồng thuận tại một cuộc gặp trong những ngày tới. Tại cuộc gặp đó, họ sẽ thảo luận công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9. Ông Dmitry Kozak kêu gọi các cố vấn chính trị cần nhận thức mức độ quan trọng của cuộc gặp ở cấp làm việc bởi các nhà lãnh đạo "Bộ tứ Normandy" sẽ đưa ra quyết định trên cơ sở báo cáo mà các cố vấn chính trị trình lên. Về phần mình, Trưởng phái đoàn Ukraine Leonid Kravchuk bày tỏ quan điểm rằng, dù còn nhiều bất đồng phía trước nhưng các bên chỉ có thể trông đợi vào các cuộc đàm phán theo “định dạng Normandy”.
Trả lời phỏng vấn tờ Euronews (Pháp), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ giúp cơ hội giải quyết thành công cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine tăng lên đáng kể, thậm chí sớm nhất có thể là vào cuối năm 2020. “Không có kế hoạch thực sự hiệu quả nào khác cho một giải pháp hòa bình ở miền Đông Ukraine ngoại trừ tiến trình đàm phán theo “định dạng Normandy”. Do đó, các bên cần tiếp tục đi theo con đường này cho đến khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine kết thúc”, ông Volodymyr Zelensky khẳng định. Nhà lãnh đạo trẻ cũng lưu ý, xung đột có thực sự kết thúc hay không còn phụ thuộc nhiều vào những cố gắng tiếp theo của các bên.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bên vẫn chưa quyết định hình thức tổ chức của hội nghị thượng đỉnh tới đây. Tuy nhiên, dư luận hy vọng sự kiện này sẽ tạo thêm xung lực cho “cỗ xe hòa bình” tiến gần hơn tới việc chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người kể từ khi nổ ra vào năm 2014.