'Chợ chim trời' hoạt động nhộn nhịp trở lại

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã, chim trời trái phép ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiếp diễn, gây ra nhiều lo ngại về sự suy giảm đa dạng sinh học và tác động tiêu cực đến môi trường.

Sau bài viết "Chim trời "kêu cứu" giữa đồng bằng" của Người Đưa Tin, tình trạng buôn bán động vật hoang dã và chim trời ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có phần lắng xuống. Tuy nhiên, những ngày qua, tình trạng này tiếp tục tái diễn và hoạt động nhộn trở lại.

Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm tại chợ nông sản Thạnh Hóa (nằm cạnh tuyến Quốc lộ 62, thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - khu vực được biết đến chuyên bày bán động vật hoang dã, chim trời) tấp nập người đến mua. Nhiều loài rắn, rùa,… chim hoang dã, chim di cư bị săn bắt, trong đó có cả các loài quý hiếm cũng được bày bán công khai tại chợ này.

Tài xế tên Hùng điều khiển xe ô tô mang biển số tỉnh Bình Dương cho biết, anh chạy dịch vụ, mỗi khi đang ngang tuyến đường này, anh thường mua cúm núm, trích cồ, rắn… mang về làm quà đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.

Cảnh mua bán “chim trời”, động vật hoang dã được diễn ra công khai tại chợ nông sản Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Cảnh mua bán “chim trời”, động vật hoang dã được diễn ra công khai tại chợ nông sản Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Quan sát chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, hàng chục lượt khách trong và ngoài tỉnh đi ô tô đến chợ nông sản Thạnh Hóa tìm mua "chim trời", rắn… mang đi. Việc mua bán này không chỉ làm suy giảm số lượng và đa dạng loài chim hoang dã mà còn gây ra mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn tự nhiên.

Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người khi tình trạng vệ sinh tại khu chợ không đảm bảo. Cảnh làm thịt "chim trời", động vật hoang dã được các tiểu thương thực hiện và thải nước ngay tại chỗ, mùi hôi thối nồng nặc cũng phát ra từ đây.

Luật sư Nguyễn Thành Phú - Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long cho biết, ý thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế. Mặc dù, ngành chức năng và báo đài liên tục tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng vì lợi nhuận nên họ phớt lờ.

Theo luật sư Nguyễn Thành Phú, hành vi buôn bán động vật hoang dã, chim trời trái phép cần xử phạt hành chính mạnh tay, thậm chí truy cứu hình sự đối với những hành vi vi phạm. "Các hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).

Các hành vi vi phạm đối với chim hoang dã có thể bị xử lý hình sự về "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã" hoặc "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo Bộ luật Hình sự", luật sư Phú nhấn mạnh.

Trước đó, Người Đưa Tin có bài "Chim trời "kêu cứu" giữa đồng bằng" phản ánh tình trạng buôn bán động vật hoang dã và chim trời ĐBSCL đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Liên quan tình trạng trên, trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Long An đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Ngoài việc quản lý, tuyên truyền không săn bắt, bẫy bắt các loài động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi săn bắt, bẫy bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái phép các loại động vật hoang dã, chim di cư. Bên cạnh đó, tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loại chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn.

Thanh Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cho-chim-troi-hoat-dong-nhon-nhip-tro-lai-204250218082632768.htm