Chớ chủ quan với tê chân, chuột rút về đêm
Không chỉ với người già, suy giãn tĩnh mạch chi dưới đang dần phổ biến ở những người trẻ. Chủ quan với các dấu hiệu ban đầu như tê chân, chuột rút… nhiều người đến viện muộn nên điều trị rất khó khăn.
Bệnh tiến triển nặng vì chủ quan
Hơn một năm trước, anh T.T (28 tuổi, Bắc Giang) đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng mỏi, đau và tê chân, chuột rút hai chân về đêm. Dù nghe nói về căn bệnh suy tĩnh mạch chi dưới nhưng anh vẫn nghĩ bệnh chỉ có ở phụ nữ nên chủ quan không đi khám.
Thời gian gần đây, đôi chân anh T phù, đau nhức nhiều hơn, không thể đứng lâu, anh T mới đến bệnh viện khám. Anh ngã ngửa khi nhận được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch cấp độ C2, cần thực hiện thủ thuật.
Chị N.N.L (33 tuổi, Hà Nội) sớm biết mình bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở cấp độ nhẹ nhất. Sau thăm khám, chị được bác sĩ tư vấn dùng thuốc, mang tất tĩnh mạch và khuyến cáo cần thay đổi lối sống (không đứng, ngồi quá lâu một chỗ, hạn chế mang giày cao gót, kê cao chân khi ngủ, tập thể dục thường xuyên).
Thế nhưng, chị chỉ tuân thủ một thời gian ngắn khiến chân ngày càng tê, đau nhức, tĩnh mạch nổi trên da kèm bị phù khi đứng lâu khiến chị phải dừng công việc đứng bán hàng. Đi khám, kết quả bệnh suy giãn tĩnh mạch chân của chị đã tiến triển cấp độ C3.
Phát hiện sớm điều trị mới hiệu quả
ThS. BS Lê Nhật Tiên, Phó trưởng khoa Nội, can thiệp tim mạch - hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tại Việt Nam, có khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bệnh này thường hay bị bỏ sót vì có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn hoặc chủ quan bỏ qua.
Nhiều người khi thấy tê chân, căng bắp chân, chuột rút không thường xuyên liền bỏ qua nghĩ là bệnh thông thường. Tuy nhiên, bệnh này cần phát hiện sớm mới dễ dàng hơn trong điều trị.
Bên cạnh bệnh nhân lớn tuổi vốn thường mắc suy giãn tĩnh mạch chân, hiện nhiều người trẻ từ 30-40 tuổi cũng mắc bệnh này. Chế độ ăn uống không kiểm soát, thói quen ít vận động, yếu tố di truyền hay đặc thù nghề nghiệp phải làm việc trong tư thế đứng thời gian dài… là những nguyên nhân hàng đầu khiến cho người trẻ bị suy giãn tĩnh mạch.
Đáng lưu ý, nhiều người chủ quan bỏ qua những dấu hiệu ban đầu, chỉ đến viện khi bệnh đã gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
"Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay gặp ở nữ giới hơn nam giới vì phụ nữ là đối tượng hay đi giày cao gót, mặc đồ bó, làm công việc đứng nhiều và đặc biệt phụ nữ phải trải qua quá trình sinh nở", BS Tiên lưu ý.
Biến chứng khó lường
BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, không ít bệnh nhân suy tĩnh mạch chân đã có những hiểu lầm tai hại về bệnh.
Hiện nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng căn bệnh này chỉ gặp ở người trên 40 tuổi, chỉ là vấn đề của phụ nữ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, ai làm công việc đứng hoặc ngồi lâu thì mới mắc bệnh. Do đó, có đến 75% người đến khám khi tình trạng bệnh đã tiến triển, tĩnh mạch nổi gồ ghề trên da, giãn tĩnh mạch mạng nhện, chàm da.
"Nếu không được điều trị tích cực và phòng ngừa từ sớm, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ có thể tiến đến cấp độ C5, C6 sẽ gây đau nhức nặng mỏi hai chân ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Việc để càng lâu không điều trị tích cực những mạch máu sẽ giãn nở, vỡ ra gây loét, khiến quá trình điều trị phức tạp, tốn kém hơn", BS Hằng thông tin.
Còn theo BS Nhật Tiên, có khá nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh lý này muộn do bệnh tiến triển âm thầm và dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Có những bệnh nhân tìm đến khám da liễu khi xuất hiện chàm da, sạm da vùng cẳng bàn chân thì mới phát hiện suy giãn tĩnh mạch.
Đa phần các trường hợp đi khám bệnh khi thấy giãn các tĩnh mạch mạng nhện nhiều, nổi các búi tĩnh mạch nông dưới da ngoằn ngoèo, thậm chí phù chân, biến đổi sắc tố da, loét hoặc đau mỏi nặng. Biến chứng muộn nguy hiểm nhất là huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong.
Nhóm nghề nào nguy cơ mắc cao?
BS Hằng dẫn thống kê cho thấy ở người trưởng thành, khoảng 25% nữ giới và 15% nam giới bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Một số công việc như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy hải sản, giáo viên, bác sĩ, dược sĩ… phải đứng trong thời gian dài. Người béo phì, ít vận động hoặc làm việc mang vác nặng cũng dễ bị giãn tĩnh mạch chân.
"Không thể phòng ngừa tuyệt đối bệnh suy tĩnh mạch chân, tuy nhiên, mỗi người có thể làm chậm quá trình này cũng như phòng ngừa bệnh tái phát sau điều trị bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, hạn chế mang giày cao gót, dành 30 phút mỗi ngày thực hiện bài tập phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, những người có yếu tố nguy cơ như làm công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động, béo phì, tập tạ nặng, người có tiền sử cục máu đông hoặc tổn thương tĩnh mạch… nên khám tầm soát bệnh sớm để điều trị hiệu quả", bác sĩ Hằng nói.
Hiện, có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tùy vào từng giai đoạn như thay đổi lối sống, tập thể dục, uống thuốc, mang tất tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch hay can thiệp nội tĩnh mạch như đốt laser hay sóng cao tần nội mạch, bơm keo sinh học…