Cho con được gọi dì là mẹ
Cha mẹ đến với nhau không vì tình yêu nên cuộc sống gia đình không êm ấm. Tuổi thơ của tôi là những cơn thịnh nộ của cha, lời oán trách của mẹ. Cuộc sống nặng nề đó chỉ kéo dài được vài năm. Khi tôi vào lớp 1, cha mẹ chính thức chia tay. Thời gian sau, mẹ có gia đình mới, cha gá nghĩa với dì. Hai từ “mẹ ghẻ” đã theo dì từ đó. Cha và dì “rổ rá cạp lại”. Cha có tôi, còn dì cũng có một đứa con riêng, nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Về sống chung, tôi xem dì như bà mẹ ghẻ trong truyện Tấm Cám. Gia đình tôi không khá giả gì. Cha làm thợ hồ, quần quật cả ngày cũng chỉ đủ tiền lo cho cuộc sống. Thương cha, hàng ngày dì gánh xôi đi bán, rong ruổi hết các trường học đến chợ. Nhờ gánh xôi của dì, chúng tôi có thêm chiếc áo mới ngày đầu năm học. Bữa cơm có thêm miếng thịt, con cá. Dẫu vậy, tôi vẫn không hết ác cảm với dì. Dì nói gì tôi cũng không nghe, bảo gì tôi cũng không làm. Vậy mà dì vẫn luôn dịu dàng, chăm sóc, lo lắng cho tôi. Dì không phân biệt con ruột hay con chồng. Thằng Hưng (con riêng của dì) có món gì là tôi cũng có món đó. Sức học tôi khá hơn Hưng nên dì luôn động viên tôi cố gắng học, dì nói: “Dì và cha không có tài sản gì để lại cho các con, chỉ cố gắng nuôi các con ăn học, sau này kiếm cái nghề lo cho bản thân”. Không còn ghét dì như lúc đầu nhưng lúc nào trong lòng tôi, dì vẫn là dì ghẻ.
Tôi bị tai nạn giao thông, dì “chạy ngược chạy xuôi”. Suốt 2 tháng liền, tôi không thể đi lại được, dì luôn bên cạnh chăm sóc, lo lắng cho tôi. Nhiều lần tôi rơi nước mắt, muốn ôm chầm lấy dì gọi “Mẹ ơi” nhưng sao khó nói quá!
Hôm vừa rồi, thấy tôi đã khỏe, dì nấu nồi xôi chuẩn bị đi bán lại. Sáng đó, tôi dậy sớm, phụ dì nấu xôi, nũng nịu, tôi dựa vào vai dì: “Cho con gọi dì là mẹ nha dì!”. Mùa Vu Lan năm nay, tôi hạnh phúc cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ vì còn cha, còn mẹ trên đời và luôn được sống trong tình yêu thương của cha mẹ./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/cho-con-duoc-goi-di-la-me-a101206.html