Chờ cú hích trên thị trường IPO
Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết từ 90 ngày xuống còn 30 ngày được kỳ vọng sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư và có thể trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn.
Loạt tân binh hâm nóng thị trường
Cuối tuần trước, HĐQT Công ty cổ phần Vinpearl (công ty con của Tập đoàn Vingroup sở hữu chuỗi thương hiệu khách sạn, resort, spa cùng trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf 5 sao và các khu vui chơi giải trí lớn tại Việt Nam) đã họp và thông qua bộ hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương án chào bán đã được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông giữa tháng 11/2024.
Như vậy, thêm một bước được hoàn tất để kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của “ông lớn” ngành bất động sản nghỉ dưỡng đến gần hơn ngày triển khai.
Theo phương án đã được cổ đông thông qua, thời gian chào bán dự kiến không còn xa, vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025. Vinpearl sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ thực hiện 1.000:40,673. Với giá chào bán 71.350 đồng/cổ phiếu, Vinpearl ước tính huy động được gần 5.001 tỷ đồng, nếu phân phối thành công cho các cổ đông.
Trước đó, Vinpearl đã rất thành công trong đợt phát hành riêng lẻ đầu năm 2024, với giá trị huy động lên tới hơn 15.000 tỷ đồng. Dù khả năng phân phối 100% số cổ phần phát hành còn là ẩn số, nhưng sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinpearl vẫn được bổ trợ khi doanh nghiệp này hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Cùng với đó, kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn được hé mở tại cuộc họp cổ đông của công ty mẹ Vingroup hồi đầu năm dự kiến sớm được triển khai.
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 45,1%. Công ty sẽ chào bán 326,8 triệu cổ phiếu mới, dự kiến thu về 3.268 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên trên 10.623 tỷ đồng. Cùng với kế hoạch chào bán, việc chuyển sang niêm yết sàn HoSE đã được cổ đông thông qua từ trước đó. Tân binh sàn HoSE có thể là một trong những ngọn lửa sáng “hâm nóng” lại thị trường IPO đã nguội lạnh nhiều năm nay.
Hoạt động IPO tại Việt Nam vẫn giữ gam màu trầm kể từ sau đại dịch Covid-19, dù thị trường chứng khoán thứ cấp vẫn có những giai đoạn tăng trưởng và sôi động. Đến nay, khi năm 2024 dần khép lại, số lượng thương vụ IPO thực hiện vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không có bất kỳ cuộc đấu giá cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước diễn ra. Hoạt động IPO chỉ xuất hiện ở một vài doanh nghiệp tư nhân, nổi bật nhất là thương vụ chào bán 30 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE.
Gỡ nút thắt chính sách
Không chỉ chuẩn bị đón những thương vụ lớn khi những tên tuổi đáng chú ý sẵn sàng triển khai IPO, mà sửa đổi về mặt chính sách tới đây dự kiến cũng khuyến khích hoạt động IPO khi gắn với hoạt động niêm yết.
Không lâu sau khi Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, bao gồm Luật Chứng khoán, Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến góp ý, với nhiều thay đổi hướng đến minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trong đó, với mục tiêu rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán, cơ quan soạn thảo đang trình giảm thời gian tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) vào giao dịch tại Điều 111, Điều 118, Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Thời hạn đưa vào giao dịch từ 90 ngày còn 30 ngày kể từ ngày sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết. Thay đổi trên nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư trong thực hiện các quyền chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường có tổ chức.
Cùng với đó, Dự thảo bỏ “giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đã được điều chỉnh do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cấp” tại các hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch; thay đổi niêm yết/đăng ký giao dịch quy định tại các điều 110, 114, 115, 116, 117, 118, 134, 135, 136 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
“Điều kiện niêm yết/đăng ký giao dịch không yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSDC. Bên cạnh đó, việc sở giao dịch chứng khoán xem xét hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch là quá trình độc lập với việc đăng ký chứng khoán tại VSDC. Quy định sửa đổi này cũng rút ngắn quá trình niêm yết/đăng ký giao dịch”, báo cáo của cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.
Cốt yếu để đón vốn ngoại
Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, một trong các nhóm nội dung lớn được đề cập là mở rộng cửa hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường, đặc biệt tập trung vào các giải pháp hỗ trợ tiến trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Nhiều con số kỳ vọng dòng vốn đầu tư của khối ngoại sau khi Việt Nam trở thành thị trường mới nổi đã được các tổ chức đưa ra. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các con số trên khi thị trường chứng khoán thực sự được đưa vào nhóm thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE, bài toán lớn là địa chỉ cụ thể mà khối ngoại có thể giải ngân.
Tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn.
- Ông Đặng Thành Công, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư miền Bắc, Công ty cổ phần Chứng khoán KB (KBSV)
Chúng tôi kỳ vọng các thay đổi về luật sẽ nâng cao chất lượng “hàng hóa” trên thị trường, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư và thúc đẩy phát triển thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực đáng kể cho doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn để đáp ứng các điều kiện theo quy định mới, đồng thời sẽ làm tăng chi phí và thời gian chuẩn bị cho các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu”.
Khi ngành công nghệ trở thành xu hướng thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, sự thiếu hụt cổ phiếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã cho thấy điểm yếu về tính đa dạng của cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Không ít doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm đầu tư của các quỹ quốc tế lại không còn “room” ngoại để giải ngân.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khi được FTSE nâng hạng, quy mô vốn hóa của chứng khoán Việt Nam sẽ bị so sánh với các thị trường khác trong cùng nhóm. Nếu vốn hóa không tăng trưởng, sẽ có rủi ro bị loại khỏi nhóm thị trường mới nổi.
Tại Việt Nam, IPO và niêm yết là hai quy trình riêng biệt, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại, khi mua cổ phần xong phải chờ vài tháng mới có thể giao dịch. Đề xuất rút ngắn khoảng thời gian giữa IPO và niêm yết xuống còn tối đa 1 tháng được đánh giá cao và có thể trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn.
Dù đơn giản hơn về thủ tục hành chính, một số yêu cầu đã được bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, bao gồm Luật Chứng khoán. Trong đó, Điều 18 về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng bổ sung “báo cáo về vốn điều lệ đã góp đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”. Đồng thời, trách nhiệm cũng tăng lên cho tất cả các bên tham gia tư vấn.
Theo ông Đặng Thành Công, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư miền Bắc, Công ty cổ phần Chứng khoán KB (KBSV), các quy định mới tạo ra áp lực đáng kể cho doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn để đáp ứng các điều kiện theo quy định mới, cũng sẽ làm tăng chi phí và thời gian chuẩn bị cho các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu. Tuy vậy, chắc chắn thay đổi trên sẽ giúp tăng tính minh bạch và chuẩn mực cho thị trường sơ cấp.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cho-cu-hich-tren-thi-truong-ipo-d232352.html