Chở củi ra phố
Hiện nay, không chỉ cư dân đô thị mà ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa, vùng sâu cũng không xa lạ gì chiếc bếp gas, khi cần bật lên là đã có thể nấu nướng; khác với hai ba chục năm trước, ô bếp giữa nhà luôn âm ỉ nóng. Ngày đó, bên dưới sàn nhà nào củi cũng chất đống, ken chặt, để dành cho những ngày mưa và khi cần có thể đánh xe bò chở ra phố bán.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, trong thời bao cấp nên đời sống của cán bộ, công chức, viên chức sống dựa vào đồng lương là chính. Ngày ấy, quyển sổ gạo và tem phiếu luôn được nhà nhà, người người gìn giữ cẩn thận. Lương thực và thực phẩm được phân phối theo tiêu chuẩn, ngành nghề, hầu hết đều không cung ứng đủ cho nhu cầu. Do vậy, muốn cải thiện thì nhà nào cũng phải tăng gia. Hầu hết gia đình đều sản xuất theo kiểu “mì ăn liền” tự cung tự tiêu với các loại cây trồng ngắn ngày cùng chăn nuôi heo, gà… Một vài gia đình còn nấu rượu để lấy hèm nuôi heo. Chất đốt thì chủ yếu là củi, chỉ tính riêng khoản chăn nuôi đã “ngốn” một lượng củi đáng kể, bởi ngày nào cũng nấu cám, nấu củ mì trộn cây chuối thái nhỏ. Có người đã từng nói vui: Thà thiếu ăn, thiếu mặc chứ không để thiếu củi! Nhà ở bấy giờ đều lụp xụp, phần lớn mái lợp tranh, vách đất, nhà bếp thường kéo nối từ chái sau hoặc chái ngang xuống nên thấp tùm hụp, đun nấu củi khói thoát không kịp nên lúc nào trong nhà bếp cũng khói um.
Ngày ấy, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Chư Pah (nay là huyện Ia Grai) vốn quen trồng lúa rẫy. Cứ khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch là vào rừng chặt cây, phát cỏ dọn rẫy chuẩn bị cho vụ trỉa lúa, trồng dưa vào đầu mùa mưa hàng năm. Sau vài ba vụ lại chuyển sang rẫy khác, cứ thế xoay vần, thường chu kỳ chừng chục năm lại quay lại đám nương rẫy cũ bấy giờ đã xanh cây. Rẫy sau khi được phát dọn xong, bà con để cho khô rồi đốt. Vậy là, cánh cán bộ, công chức, viên chức trong huyện rủ nhau tranh thủ ngày nghỉ đi lùng xem đám rẫy nào có củi. Phải leo lên những ngọn đồi xa tít tắp phía Ia Hrung hay vào tận trong Ia Pếch. Tìm được rồi thì thuê hoặc mượn người, phải năm bảy người đàn ông có sức khỏe mới có thể bốc những cây củi lớn, đường kính vài tấc lên xe được. Mùa khô, nắng nóng như đổ lửa, đã vậy củi bị lửa cháy sém nên sau khi bốc xong, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi, chân tay, quần áo đều bị dính tro than lấm lem. Nói thêm là riêng cái khoản vận chuyển củi thì phải xe máy cày mới có thể len lỏi trên các con đường mòn, xuống suối hoặc lên dốc. Các loại xe tải hai cầu, ba cầu cũng đành chịu! Bấy giờ, ngoại trừ số máy cày ở các nông trường cà phê như: Ia Châm, Ia Blan, Ia Grai thì trong các cơ quan huyện chỉ Ban Kinh tế mới có 2 chiếc, do hai anh Thanh Liêm và Thế Liêm lái. Nhà nào cũng cần củi đốt và ai cũng kiếm củi nương rẫy nên thi thoảng vẫn gặp chuyện cười ra nước mắt là cơm đùm, cơm nắm mang máy cày chở người vào rẫy lại đành về không vì ai đó đã đến lấy củi trước mình rồi, mặc dù mới vài ngày trước đó đã vào rẫy để thăm chừng.
Cũng thời gian này, một lượng lớn người dân kinh tế mới từ các tỉnh miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Đồng bào tỉnh Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) vào xã Ia Hrung, Ia Bă và một phần thị trấn Ia Kha. Bà con vào đây thì việc đầu tiên là “tấn công” lên các ngọn đồi phát cây dọn rẫy nương, trồng lúa, trồng mì chuẩn bị nguồn lương thực cho gia đình sau thời gian nhận trợ cấp của Nhà nước. Khác với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân kinh tế mới không để lại củi trên rẫy mà cưa khúc mang về nhà. Cứ vậy đống củi xếp cao lên trước sân sau mỗi ngày lao động về.
Rồi hầu như ngày nào cũng vậy, cứ buổi sáng là xuất hiện đoàn xe bò khoảng 4-5 chiếc (loại một bò kéo) từ hướng thị trấn huyện theo tỉnh lộ 664 ra Pleiku, bên trên chất đầy củi. Cứ chậm rãi lăn bánh, vậy mà khoảng gần 10 giờ đã có mặt trước cổng chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku). Khu vực này bấy giờ dân cư vẫn còn thưa thớt, từ cổng chợ ngược lên trước trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh nhiều chỗ mọc đầy cỏ dại và dã quỳ. Chủ buộc bò cho ăn cỏ quanh đấy còn mình thì bán củi. Bán xong vào chợ mua sắm rồi đoàn xe bò lại lộc cộc từ phố trở về huyện. Thùng xe đã trống nên xe nào cũng căng tấm bạt che nắng bên trên rồi người chủ cứ vậy khoanh tròn trong xe nằm ngủ, mặc cho bò nhớ đường kéo xe về. Đã không ít lần có người tinh nghịch đi qua nắm dây mũi chú bò đầu đàn quay ngược ra Pleiku, đoàn xe bò cứ thế quay theo, mãi đến qua địa phận xã Ia Dêr, chủ nhân mới thức giấc, đánh xe về lại huyện…
Sau nhiều thập niên, đời sống của người dân trong huyện đã hoàn toàn thay đổi, sung túc hơn xưa. Ai đã từng công tác nơi đây nếu có dịp trở lại chắc hẳn đều không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của một vùng đất năm nào. Các điểm kinh tế mới giờ là những khu dân cư trù phú. Không còn những rẫy lúa trên đồi, không còn thấy bóng dáng xe bò. Khu vực lấy củi ngày trước bây giờ bát ngát vườn đồi cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Đường nhựa xe ô tô vào tận nơi. Bà con còn xây dựng cả những căn nhà kiên cố để ở lại trang trại, tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch và sơ chế nông sản khi vào vụ.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202008/cho-cui-ra-pho-5694429/