Cho đầy ký ức quê hương

Cữ này đồng lúa mướt mát xanh. Lúa thì con gái, óng ả xanh trong non mềm xuân ấm. Lúc xuân thì, thời con gái lúa xanh nhất, xanh kiệt cùng.

Như rút ruột mà xanh. Để ít ngày nữa thôi là làm đòng. Gọi là lúa trổ đòng đòng để từ đó thành bông lúa non ngậm sữa. Tôi đã sống với quê, với bao mùa lúa, ngô trổ bông. Đó là một sự kỳ diệu của tạo hóa và quá trình ấy trọn vẹn sẽ báo hiệu mùa vụ bội thu. Ngày nhỏ tôi nhớ câu ca dao: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên”. Bây giờ, sau rất nhiều năm ra phố làm việc, tôi vẫn hằng trở về làng để lắng nghe tiếng sấm, nghe đồng bãi cựa mình và ngắm vẻ đẹp của lúa ở thời điểm phất cờ. Năm nay, tôi cho con trai về nữa.

Minh họa: PHẠM HÀ.

Minh họa: PHẠM HÀ.

Tôi chỉ cho con biết sự thiêng liêng của cây lúa quê hương, sự kỳ diệu của mây trời và vẻ đẹp của diệp lục, cũng như ý nghĩa của lúa trong đời sống người nông dân. Tôi đã giật mình khi nghe con trai hỏi: “Bố ơi, cây lúa là cây gì?”. Một hồi giảng giải diễn ra. Rằng đó là cây sinh ra hạt ngọc, gạo và cơm, thứ cây gắn bó đời đời với cha ông, người nông dân, sự giản dị và cả lòng cao thượng. Con trai lại hỏi: “Vậy sao cây lúa lại gắn với cả lòng cao thượng hả bố?”. Tôi nói: “Vì cây lúa sinh là bông lúa. Bông lúa càng già, chắc mẩy thì càng cúi xuống. Bông lúa ấy tượng trưng cho sự khiêm tốn, càng ôm chứa nhiều giá trị thì càng biết cúi mình. Đó cũng là bài học về sự cao thượng ở đời”. Con tôi uống từng lời. Nó như được khai mở một mớ kiến thức về nông thôn mà ít khi được chạm tới. Nó thốt lên: “Vậy thì quê mình rộng, nhiều cây lúa quá và chắc là nhiều bài học”. Tôi bảo con, quê hương có nhiều vẻ đẹp chờ các con khám phá. Các con cần chịu về quê hơn, hòa vào lòng quê rộng lượng để biết yêu thêm con người, yêu đất trời, bờ cỏ, cánh chim trên trời, con cá dưới nước...

Ngày xưa mỗi đứa trẻ sinh ra nơi làng quê đều biết đến trò mót khoai, mót lúa, tát giòn hay chăn trâu, cắt cỏ cùng nhiều trò chơi tuổi dại khác. Những con đường quen thuộc dẫn ra đồng, con đê, lối hoa xoan, hoa gạo, lối phượng đỏ trên đường đến trường... cũng là những ấp iu kỷ niệm tuyệt đẹp cần có.

Tôi dẫn con thăm lúa, thăm những con mương khi xưa còn nhỏ, tôi cùng chúng bạn đi câu, tát giòn. Kia là con sông quê vắt qua làng có hàng phi lao rì rào trong gió. Phía kia là bãi cỏ chúng tôi từng chăn bò, thả diều và nay, thi thoảng trẻ con trong làng vẫn ra chơi. Khỏi phải nói con trai tôi thích thú thế nào. Nó tiếc khi đã nhiều lần từ chối theo tôi ra đồng. Nó tiếc vì đã không sớm chạm tay vào vạt cỏ ven đê hay áp má xuống bờ đê xanh mượt.

Một chuyến trở về trở thành cơ duyên và điều này nói lên rằng, trẻ em đang khuyết thiếu nhiều kiến thức, trong đó có kiến thức đơn giản về nông thôn, về kho ký ức tuổi thơ. Nhiều đứa trẻ ở quê hay ở phố ngày nay không còn những trò chơi giản dị nữa. Chúng bị cuốn vào nhiều thứ khác và thiếu sự chia sẻ, giúp đỡ người lớn những việc nhỏ để biết yêu thương những vẻ đẹp từ nông thôn. Đúng hơn trẻ em đang bị mất dần đời sống tuổi thơ nên cũng không có ký ức tuổi thơ. Các em đã bị sách vở đánh cắp sự gần gũi với thiên nhiên, để lúc đứng ra thiên nhiên, các em bị trống một vùng trong trí nhớ. Ký ức tuổi thơ là kho tàng trong tâm thức, là mạch nước cùng làm nên tâm hồn phong phú của mỗi người. Sẽ thiệt thòi cho mỗi ai thiếu thốn ký ức. Cũng thiệt thòi cho mỗi ai khuyết thiếu một vùng vẻ đẹp tuổi thơ. Bởi nhiều bài học ở phía tuổi thơ đã giúp chúng ta trân quý con người, yêu thiên nhiên và bảo vệ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Cũng thiệt thòi cho mỗi ai không có quê hương để nhớ về, để lúc cần lại ập òa trong lòng quê hương nhân nghĩa và thấy mình đang ở đâu trong thế giới này.

Tôi dạy cho con trồng những cây bưởi, cây táo, cây cau trong vườn nhà. Đó là cách giúp con hòa vào thiên nhiên và hiểu được cách bảo vệ thiên nhiên như thế nào. Rồi sau này, con tôi sẽ nhớ ngôi vườn này, ký ức về những cái cây sẽ lớn dần trong tâm hồn nó. Khi đó tài sản trong tâm hồn, trong vùng ký ức của nó sẽ cùng lớn lên với tuổi đời của nó. Bởi như một nhà thơ đã thốt lên: “Quê hương mỗi người chỉ một...”

Tản văn của DIÊN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cho-day-ky-uc-que-huong-657551