'Chợ đen' vắc xin ngừa Covid-19

Những giấy xét nghiệm âm tính, giấy chứng nhận tiêm chủng giả mạo hay thậm chí là vắc xin ngừa Covid-19 được giao dịch sôi động trên 'chợ đen' trực tuyến đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khó lường.

Vắc xin Covid-19 rao bán tràn lan

Trong một báo cáo được công bố mới đây, Công ty Kaspersky Lab chuyên cung cấp dịch vụ chống vi rút và an ninh mạng đa quốc gia của Nga đã cảnh báo vấn nạn vắc xin ngừa Covid-19 được rao bán tràn lan thông qua hình thức trực tuyến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 Hình ảnh sản phẩm vắc xin ngừa Covid-19 được cho là của hãng Moderna trên một “chợ đen” trực tuyến

Hình ảnh sản phẩm vắc xin ngừa Covid-19 được cho là của hãng Moderna trên một “chợ đen” trực tuyến

Các quảng cáo chủ yếu tập trung vào vắc xin mang những thương hiệu lớn, được kiểm chứng và chấp thuận sử dụng rộng rãi như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna với giá trung bình khoảng 500 USD/liều, tức là cao gấp hàng chục lần so với giá của nhà sản xuất. Các chuyên gia của Công ty Kaspersky Lab cho biết, chủ nhân của những loại vắc xin “ngoài luồng” này phần lớn đến từ Pháp, Đức, Anh, Mỹ.

Đây không phải là những thông tin đầu tiên về “chợ đen” các sản phẩm liên quan đến đại dịch Covid-19. Trước đó, CNN dẫn nguồn từ Công ty An ninh mạng Check Point (Israel) cảnh báo, tại những website hoạt động ngầm, tội phạm đã chuyển hướng sang buôn bán, trao đổi giấy xét nghiệm âm tính, giấy chứng nhận tiêm chủng giả và vắc xin ngừa Covid-19 với mức giá “trên trời”.

Riêng số lượng chào hàng về vắc xin ngừa Covid-19 trên các “chợ đen” đã tăng 300% trong 3 tháng đầu năm nay. Thậm chí, để thu hút thêm khách hàng, chúng còn tung ra chiêu trò “mua 2 tặng 1” đối với giấy xét nghiệm giả. Theo công ty của Israel, những mặt hàng này đều “thoạt nhìn có vẻ hợp pháp” nhưng sẽ chẳng ai kiểm chứng được.

Nhiều người cho rằng đôi khi vẫn có những liều vắc xin ngừa Covid-19 chính hãng còn sót lại trong các cơ sở y tế trên khắp thế giới và bị tuồn ra ngoài “chợ đen” bởi đường dây tội phạm hoặc những kẻ cơ hội tìm cách kiếm tiền từ khó khăn của người khác. Tuy nhiên, tình trạng này đã xuất hiện những quan ngại lớn hơn rằng những liều vắc xin được rao bán kia phần lớn là hàng giả.

Người dân cần nêu cao cảnh giác

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã nhấn mạnh về tình trạng lưu thông vắc xin giả và vắc xin chưa được cấp phép sau khi có báo cáo về một phòng khám tư nhân cung cấp vắc xin Pfizer/BioNTech giả và một lô hàng nhái vắc xin Sputnik V bị phát hiện ở Mexico. Trong khi đó, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết, giới chức Trung Quốc và Nam Phi vừa bắt giữ gần 100 người và tịch thu khoảng 6.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 giả trong các chiến dịch riêng rẽ.

Ngoài ra, Interpol cũng nhận được nhiều báo cáo về vấn nạn mua bán vắc xin giả và xu hướng tội phạm nhắm mục tiêu vào các cơ sở y tế, viện dưỡng lão-những nơi được tiếp nhận vắc xin sớm để tiêm cho những người thuộc nhóm ưu tiên. Interpol cảnh báo, người dân cần nêu cao cảnh giác. Hiện không có bất cứ vắc xin nào được cho phép phân phối qua các công ty tư nhân hay bán trực tuyến.

Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu các chương trình tiêm chủng để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến cho tiến trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, thậm chí một số nước còn chưa có vắc xin.

Bên cạnh đó, nhiều nước yêu cầu người dân và du khách phải có chứng nhận không mắc Covid-19 hoặc đã tiêm vắc xin mới được đi làm việc tại công sở, đi công tác hay nhập cảnh đi du lịch. Do đó, sự xuất hiện của thị trường “chợ đen” bán những mặc hàng này là một quy luật không đáng ngạc nhiên.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang lao đao vì đại dịch, những hành vi gian lận liên quan đến vắc xin sẽ gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và làm cuộc chiến chống Covid-19 của nhân loại càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn.

Hoài Anh (t.h)

1,574

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/cho-den-vac-xin-ngua-covid-19-85554.html