Cho đi là còn mãi

PTĐT - Phát huy truyền thống tốt đẹp giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân của dân tộc 'Dẫu xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người', nhiều người đã dũng cảm san sẻ một phần cơ thể của mình để cứu sống người khác.

Phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

PTĐT - Phát huy truyền thống tốt đẹp giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân của dân tộc “Dẫu xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”, nhiều người đã dũng cảm san sẻ một phần cơ thể của mình để cứu sống người khác. Đằng sau những nghĩa cử cao đẹp ấy, không ít câu chuyện cảm động làm thay đổi số phận con người mà chúng tôi ghi lại được, khi tìm hiểu về những ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vài năm gần đây.

Trao yêu thương
Ngôi nhà mộc mạc, giản đơn nằm trong con ngõ ở khu 8, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao là mái ấm của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc - người phụ nữ ngoài 40 tuổi may mắn được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2019 sau 10 năm dòng chạy thận nhân tạo. Cất vội đôi ủng và chiếc nón vào góc thềm vừa từ vườn rau về, chị Cúc niềm nở đón khách bằng giọng địa phương đặc sệt. Bên chén trà nóng cùng nghe chị kể lại quãng thời gian chống trọi với căn bệnh hiểm nghèo khiến chúng tôi tạm quên đi cảm giác lạnh giá 100C của mùa Đông đang bủa vây. Chuyện là năm 2007, sau khi vợ chồng chị làm nhà xong cũng là lúc chị Cúc mang thai lần 3. Từ khi phát hiện có bầu, chị thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn như người ốm nghén. Thế nhưng, như tiếng sét đánh ngang tai sau khi đi khám, bác sĩ kết luận chị bị suy thận độ 3a tức là thận bị tổn thương nghiêm trọng, chức năng thận suy giảm khiến tốc độ lọc cầu thận giảm. Do vậy, hài nhi trong bụng chị không có cơ hội chào đời. Cầm cự được đến tháng 4/2009, chị Cúc buộc phải chạy thận lọc máu 3 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia cảnh của chị khi ấy rất khó khăn, hai đứa con nhỏ mới lên 7, lên 9, bố mẹ già.

Chị Nguyễn Thị Cúc (bên trái) trở lại cuộc sống bình thường sau khi được ghép thận.

Chị Nguyễn Thị Cúc (bên trái) trở lại cuộc sống bình thường sau khi được ghép thận.

Chị Cúc trầm ngâm: “Khi tôi bị bệnh và chạy thận, tinh thần suy sụp, thể trạng yếu chỉ còn gần 40kg, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai chồng năm này qua năm khác. Chứng kiến nhiều người cùng cảnh ngộ đã không vượt qua khỏi, tôi liên tưởng một ngày nào đó cũng đến lượt mình phải ra đi như vậy”. 10 năm chạy thận khiến cho nước da của chị Cúc ngày càng sạm đen, mang theo đó là nỗi đau bệnh tật dày vò và gánh nặng về kinh tế. Nhiều người thân trong gia đình muốn hiến thận để cứu chị, nhưng không có ai phù hợp. May mắn đã dang tay với chị khi năm 2019, chị Cúc gặp được người chị họ bên ngoại sẵn sàng hiến một quả thận thay thế cho quả thận bị hỏng của mình.

Chị Cúc cảm động: “Nhờ có chị Hương mà cuộc đời tôi như được sinh ra lần thứ 2. Tôi biết ơn cứu mạng của chị ấy nhiều lắm. Nhờ có chị mà tôi tiếp tục được sống để sát cánh cùng chồng lo cho hai con ăn học trưởng thành”.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê.

Để nhân lên niềm vuiCa ghép thận cho chị Nguyễn Thị Cúc là ca ghép thận thứ 9 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể từ tháng 6/2015 đến nay, mở ra nhiều hy vọng cho nhiều người bệnh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Trở lại ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dưới sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đó là trường hợp ghép thận cùng huyết thống (mẹ hiến thận cho con). Con trai chị Vi Thị Huyên ở xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba không may phát hiện bị bệnh thận mạn tính do viêm cầu thận khi mới 17 tuổi. Sau hơn một năm chạy thận nhân tạo chu kỳ, đến tháng 6/2015, người bệnh được ghép thận từ chính mẹ đẻ của mình. Sau hơn 10 ngày theo dõi, điều trị, tình trạng chức năng thận ghép ổn định, người bệnh được xuất viện ngoại trú. Đến nay, sau hơn 5 năm ghép thận, chức năng thận ghép vẫn ổn định, người bệnh có sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống như người bình thường khỏe mạnh.Còn đối với anh Phạm Văn Tấn ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, sau thời gian dài chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chứng kiến những trường hợp ghép thận thành công ngay tại đây, anh và gia đình đã quyết tâm tiến hành phẫu thuật ghép thận. Vào một ngày cuối năm 2017, anh và vợ vào viện để làm các xét nghiệm cần thiết. Sau đó vài ngày, người bệnh được tiến hành phẫu thuật. Người hiến thận chính là vợ anh. Sau phẫu thuật 9 ngày, anh Tấn và vợ hồi phục tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện trở về nhà.Chia tay các y, bác sĩ, anh Tấn mừng rơi nước mắt: “Chính bản thân tôi cũng không ngờ sức khỏe của mình hồi phục nhanh đến vậy. Chỉ trong hơn một tuần, vết mổ đã liền, tôi đã có thể tự đi lại, ăn uống bình thường. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ ở Trung tâm Thận- Lọc máu nói riêng và lãnh đạo Bệnh viện nói chung đã tận tình chăm sóc, điều trị để tôi có cơ hội được hồi sinh”.

Là người tham gia hầu hết các ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bác sĩ CKII Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Thận- Lọc máu chia sẻ: “Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ, cận trọng, tận tình của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chúng tôi như trưởng thành hơn sau mỗi ca ghép. Hạnh phúc không thể nào đong đếm được sau mỗi lần chúng tôi được chứng kiến nụ cười nở trên môi người bệnh. Đó là sự ghi nhận, nỗ lực hết mình của chúng tôi mang đến cơ hội được tiếp tục sống, giúp họ viết tiếp những ước mơ, dự định còn dang dở”.Cũng theo Bác sĩ Giang, Trung tâm Thận - Lọc máu hiện đang tiến hành chạy thận chu kỳ cho gần 290 bệnh nhân. Mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn ca bệnh mới và tái khám liên quan đến các bệnh lý thận- tiết niệu. Thực tế, nhu cầu ghép thận của người bệnh rất lớn vì hầu hết các bệnh nhân khi suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo đều mong muốn được ghép thận để có thể trở lại cuộc sống như bình thường. Mặc dù về kỹ thuật ghép thận và điều trị sau ghép hiện nay có thể thực hiện thường quy ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, song cái khó là không có nguồn thận để ghép. Nhu cầu thực tế đang ngày càng vượt quá xa so với số lượng được ghép thành công mà nguyên nhân chủ yếu do không có nguồn hiến thận. Vì vậy, việc vận động hiến tặng mô/tạng không chỉ là trách nhiệm của nhân viên y tế mà đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Hy vọng phong trào đăng ký hiến tặng mô/tạng với tinh thần “Trao tặng yêu thương- Nối dài sự sống” do Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát động sẽ ngày càng dài thêm danh sách những người sẵn sàng đăng ký để mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh cần ghép tạng.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202101/cho-di-la-con-mai-174918