Cho đi là còn mãi

'Hồi sinh' cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến bộ phận cơ thể mình là một nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp và thật đáng trân trọng. Thấu hiểu điều này, vào một ngày đầu năm mới 2021, em Hồ Thị Thanh Thủy (sinh năm 2002) ở huyện Cam Lộ đã quyết định đặt bút ký vào đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não khi mới chỉ 18 tuổi.

 Hành động tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của em Thủy cần được lan tỏa trong cộng đồng -Ảnh: D.L

Hành động tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của em Thủy cần được lan tỏa trong cộng đồng -Ảnh: D.L

Thủy hiện đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Giao thông vận tải, quê ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ, đang học tập tại Hà Nội. Em đã đăng ký hiến toàn bộ 12 cơ quan, bộ phận cơ thể nếu không may gặp rủi ro bị chết não (do tai nạn, do bệnh lý…).

Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình

Thanh Thủy cho biết bản thân đã biết và tìm hiểu về việc hiến mô, tạng từ lâu, nhưng phải đến khi ông nội của em gặp biến cố và qua đời vào 3 năm trước, em mới nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc cấy ghép mô, tạng. Ông của Thủy mất đi thị lực và tiếp tục sống như thế trong một thời gian dài vì di chứng sau một cơn đột quỵ. Biết sức lực khó chiến thắng được bệnh tật, ông mong muốn trước khi tạm biệt cuộc sống sẽ lại được nhìn ngắm người thân, con cháu thêm lần nữa. Mặc dù bệnh viện và gia đình đã cố gắng tìm kiếm, chờ đợi nhưng vào thời điểm đấy, tìm được giác mạc phù hợp để cấy ghép quả thật rất khó khăn, khan hiếm.

Thủy chia sẻ: “Em chỉ suy nghĩ rằng hiện nay vẫn có hàng ngàn người bệnh, có hoàn cảnh giống như ông của em, đều đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì người hiến rất ít. Vậy thì càng nhiều người hiến sẽ có càng nhiều cơ hội. Trong trường hợp các cơ quan, bộ phận trong cơ thể tương thích với người bệnh, một người hiến tạng có thể cứu sống được cả hơn chục người. Em hy vọng xã hội sẽ không ngần ngại đối với việc hiến mô, tạng sau khi chết, chết não”.

Sau khoảng 3 tháng ổn định việc học tập và làm quen với cuộc sống mới tại Hà Nội, ngày 14/1/ 2021, Thủy tự mình đi đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (số 40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) để ký vào đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não, mong muốn dành tặng những cơ quan, bộ phận có ích trên cơ thể mình để tiếp tục sự sống cho những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Truyền cảm hứng cho người thân và bạn bè

Thanh Thủy tâm sự, có được thân thể như hôm nay là do công ơn bố mẹ sinh thành và nuôi dưỡng, vì vậy trước khi quyết định ký vào đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não em đều chia sẻ và lắng nghe ý kiến từ bố mẹ, người thân trong gia đình. “Khi nghe em trình bày nguyện vọng của mình, mẹ em rất sốc, không chấp nhận con mình không còn nguyên vẹn vì hiến tặng cơ thể. Mẹ cũng phản đối vì cho rằng em còn quá trẻ để nghĩ đến vấn đề mang “điềm gỡ” như vậy”, Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, có một điều Thủy cảm thấy thực sự may mắn đó là bố của em hoàn toàn ủng hộ em làm điều này, không hề có sự ngăn cản nào, trái lại còn hết sức khen ngợi vì con gái đã trưởng thành, biết suy nghĩ và giúp đỡ người khác. Bác Hồ Văn Thọ, bố của Thủy cho biết: “Nghe con gái mong muốn đăng ký hiến mô, tạng cứu người, ban đầu tôi cũng hơi bất ngờ nhưng nghe con trình bày rõ nguyện vọng, tôi nhận thấy đây là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa để giúp nhiều người tiếp tục cuộc sống, vừa để sự ra đi của chúng ta không vô nghĩa. Chính vì thế tôi hoàn toàn ủng hộ con gái tham gia, tôi cũng thuyết phục, giải thích về việc hiến mô, tạng để vợ và các thành viên gia đình hiểu rõ, cho đến nay ai nấy đều tôn trọng và ủng hộ quyết định của con”.

Thanh Thủy cho biết, cuộc sống sinh viên tuy bận rộn với lịch học, thi cử và các hoạt động ngoại khóa, cùng với việc sống xa gia đình nhưng em luôn quan tâm bảo vệ sự khỏe mạnh của những cơ quan, nội tạng mà mình đã cam kết hiến tặng cứu người. Em chủ động thay đổi lối sống và sinh hoạt theo hướng tích cực, ăn uống đầy đủ, đúng giờ, hạn chế thức khuya…với hy vọng mai này những gì mình đem cho người khác có thể giúp ích nhiều nhất cho họ, người nhận sẽ tiếp tục có một cuộc sống khỏe mạnh.

Với Thủy, điều làm em cảm thấy hạnh phúc nhất là quyết định của mình đang dần được người thân, bạn bè ủng hộ, thấu hiểu và đồng hành. “Bất ngờ và vui nhất có lẽ là việc chính bố em hỏi về thủ tục để giúp ông đăng ký hiến tạng”, Thủy cho biết. Một người bạn ở cùng phòng với Thủy cũng chia sẻ rằng đã nghĩ đến ý định hiến xác, hiến tạng từ lâu nhưng vì không có thêm thông tin, lại bận rộn việc học tập và thi cử nên để nó trôi qua. Cho đến khi ở cùng, nhìn thấy tinh thần của Thủy, người bạn của em cũng quyết định sẽ thực hiện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não.

Hiện nay đã có nhiều người lựa chọn đăng ký hiến tạng, hiến xác cứu người hơn nhưng với một sinh viên mới 18 tuổi như Thủy, hành động của em rất đáng được khen ngợi. Ở em có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, có ý thức vì cộng đồng và hơn hết là trái tim nhân hậu. Việc làm của Hồ Thị Thanh Thủy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người về cách sống cống hiến, sống là cho đi, góp phần xây dựng cộng đồng, xã hội tốt đẹp hơn.

Diệu Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156049&title=cho-di-la-con-mai