Chợ 'địa ngục' Thạch Hóa, Long An: Nơi biến động vật hoang dã từ 'sống' sang 'chín'
Nhiều người ví, chợ Thạch Hóa, Long An giống như một 'địa ngục' của các loài động vật hoang dã. Bởi, mỗi ngày, có tới 1.000 con chim, thuộc nhiều giống, loài khác nhau bị 'hóa kiếp'.
Chợ Thạch Hóa: “Địa ngục” của động vật hoang dã
Từ một nơi chuyên bán nông sản, nhưng vài năm gần đây, chợ Thạch Hóa (Long An) đã bị biến tướng, trở thành địa điểm buôn bán nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm có trong sách đỏ của Việt Nam, như rái cá, rắn hổ, chim cú, rùa;...
Chợ Thạch Hóa: “Địa ngục” của động vật hoang dã.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên ví chợ Thạch Hóa giống như một “địa ngục” của các loài động vật hoang dã. Bởi, mỗi ngày, có tới 1.000 con chim, thuộc nhiều giống, loài khác nhau bị “hóa kiếp”.
Theo ông Nguyên, chợ Thạch Hóa chỉ cách UBND thị trấn Thạch Hóa và Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hóa chưa đầy 1km, thế nhưng các hoạt động trái phép ở đây vẫn ngang nhiên hoạt động từ ngày này, sang tháng nọ.
Theo điều tra của Trung tâm con người và thiên nhiên, các tiểu thương kinh doanh động vật hoang dã trái phép tại chợ Thạch Hóa có rất nhiều chiêu trò, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng khi thực hiện công tác kiểm tra.
Trước tình trạng ngày càng nhiều động vật hoang dã bị chuyển từ dạng “sống” sang dạng “chín”, Trung tâm con người và thiên nhiên đã có thư ngỏ, gửi UBND tỉnh Long An về việc xử lý triệt để tình trạng chợ Thạch Hóa buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã trái phép.
Ông Trịnh Lê Nguyên cho biết, trong nhiều năm, các tổ chức bảo vệ thiên nhiên đã không ít lần phanh phui hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại chợ Thạch Hóa.
Lần gần đây nhất, vào đầu năm 2020, Cục Kiểm lâm đã cử Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương đã thu giữ hàng loạt cá thể động vật hoang dã, bao gồm nhiều loài quý hiếm.
Sau vụ việc, với sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An đã cam kết và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã tại khu chợ này.
Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước đó, hoạt động buôn bán bất hợp pháp tại khu chợ này vẫn diễn ra, chỉ chuyển từ hình thức công khai sang lén lút và tinh vi hơn.
Lời cầu cứu từ các đơn vị bảo tồn thiên nhiên
Theo ông Nguyên, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chỉ thị, quyết định trong việc bảo vệ động vật hoang dã, và kiên quyết loại bỏ các khu chợ, tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Một góc chợ Thạch Hóa, Long An.
Do đó, ông Nguyên mong muốn, UBND tỉnh Long An cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành, giám sát, thanh kiểm tra và đóng cửa vĩnh viễn các gian hàng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại chợ nông sản Thạnh Hóa.
Đồng thời, ông Nguyên kiến nghị 5 biện pháp, nhằm xử lý triệt để tình trạng này. Thứ nhất, UBND các cấp nên thành lập đoàn chuyên ngành kiểm soát, giám sát 24/7 tại chợ Thạnh Hóa để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Thứ hai, UBND tỉnh Long An có chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn gốc các mặt hàng động vật hoang dã được bán tại chợ.
Thứ ba, kiểm tra, xác minh giấy tờ hợp pháp của các cơ sở nuôi cung cấp động vật hoang dã cho các cơ sở kinh doanh tại Chợ Thạnh Hóa.
Thứ tư, UBND tỉnh Long An lập chuyên án điều tra, phát hiện và xử lý triệt để nguồn cung cấp động vật hoang dã bất hợp pháp cho các cơ sở kinh doanh.
Cuối cùng, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng chuyên đề về các quy định pháp luật có liên quan đến động vật hoang dã.
“Tôi mong rằng, việc phá bỏ chợ “địa ngục” Thạch Hóa không chỉ nâng cao uy tín của tỉnh Long An, nó còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn các loài động vật hoang dã, góp phần tăng cường an ninh trật tự của địa phương”, ông Nguyên nói.