Chờ đợi lâu, nhiều rau củ từ tỉnh về TP.HCM bị hư hỏng

Thay vì 6-8 giờ, chị Nhung mất hai ngày mới nhận được 800 kg rau củ quả từ Lâm Đồng chuyển về TP.HCM. Tuy nhiên phần lớn thực phẩm đã bị dập nát.

"Tôi chở hàng về tới nhà mới khui, rau củ lúc này đã dập nát, chỉ giữ lại được một ít bí đỏ, dưa leo và khoai tây", chị Nhung nói với Zing, sau khi nhận thùng hàng ở quận 10.

Những ngày qua, việc mua thực phẩm của một bộ phận người dân gặp khó khăn khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Nhiều người nhờ người thân gửi thức ăn vào tiếp tế hoặc chọn đặt hàng vận chuyển về thành phố.

Song, hàng hóa khi tới tay người nhận thì không còn nguyên chất lượng như ban đầu.

Rau củ dập nát

Chị Bích Nhung (quận 10) gửi 800 kg rau củ quả từ Lâm Đồng tới TP.HCM bằng nhà xe quen vào tối 7/7. Đây là chuyến hàng đầu tiên chị Nhung và người thân tự kinh doanh nông sản sạch.

Thường ngày, chỉ mất 6-8 giờ là thực phẩm đã đến TP.HCM, nhưng lần này chờ tới khuya 8/7, xe chở hàng đã vào đến bến nhưng nhà xe phản hồi không thể bỏ hàng xuống ngay vì hàng hóa đang quá tải.

Mãi đến 10h sáng hôm sau (9/7), người phụ nữ này mới lấy được thực phẩm.

 Rau củ dập nát chị Nhung nhận được sau hai ngày chờ đợi. Ảnh: NVCC.

Rau củ dập nát chị Nhung nhận được sau hai ngày chờ đợi. Ảnh: NVCC.

Theo lời chị Nhung, một số người sau khi nhận rau củ xong đã mang ra bãi rác cạnh nhà xe vứt bỏ chứ không thể đem về dùng.

"Nhà xe trả lời tôi họ sẽ xử lý và đền bù sau 15 ngày nếu rau củ bị hỏng do vận chuyển với điều kiện phải khui hàng ngay ở bãi và có nhân viên kiểm tra. Tuy nhiên, nhà tôi chở hàng về tới nhà mới khui, rau củ lúc này đã dập nát", chị Nhung thuật lại.

Cùng chung cảnh ngộ như chị Nhung là chị Thanh Lê ở quận Tân Phú. Người phụ nữ này đặt mua rau xanh, dâu tây và khoai tây từ nhà vườn ở Đà Lạt. Mặc dù nhà vườn đóng thùng, gửi hàng từ chiều 8/7, dự tính khoảng 8 giờ sẽ đến TP.HCM, mãi 3 ngày sau chị Lê mới nhận được hàng.

Một nửa lượng rau trong số đó đã bị hư hỏng, chảy nước, dâu tây cũng bị dập nát. Nhận được phàn nàn từ chị Lê, nhà xe chỉ biết gửi lời xin lỗi vì số lượng hàng quá nhiều nên phục vụ không chu đáo.

“Hàng hóa bị chất đống ở trong bãi xe và nhân viên giao hàng không kịp. Tôi khó chịu vì nhà xe vô trách nhiệm, chỉ xin lỗi thì không giải quyết được vấn đề”, chị Lê nói.

Luân chuyển nhiều nơi, tăng giá cước

Nghe tin TP.HCM phong tỏa theo Chỉ thị 16, người thân chị Kim Khánh (quận Bình Thạnh) cũng tranh thủ gửi cá, tôm, thịt từ TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào TP.HCM.

Địa điểm nhận hàng ban đầu là bến xe Miền Đông nhưng đến “phút chót”, chị Khánh nhận được tin báo hàng đã chuyển đến bến xe tại Quốc lộ 13 (TP Thủ Đức).

Khi hàng về đến bãi, nhân viên nhà xe phân chia danh sách để gọi đúng số lượng người tới nhận nhằm tránh tập trung đông. Tuy vậy, nhiều người vì sốt ruột nên đến sớm hơn giờ hẹn khiến một vài thời điểm rất đông người chờ lấy hàng.

 Hàng hóa gửi từ các tỉnh về TP.HCM bị "tắc nghẽn" khiến việc nhận hàng chậm trễ, rau quả hư hỏng. Ảnh: Đức Nhân.

Hàng hóa gửi từ các tỉnh về TP.HCM bị "tắc nghẽn" khiến việc nhận hàng chậm trễ, rau quả hư hỏng. Ảnh: Đức Nhân.

“Tới nơi, tôi thấy hơn 50 người cũng chờ nhận thức ăn, cảnh tượng đông đúc không thể tưởng. 2 giờ đồng hồ xếp hàng ngoài nắng chờ tới lượt, qua 3 chốt kiểm soát thì thùng hàng của tôi mới tới được phòng trọ”, chị Khánh than vãn.

Theo các nhà xe, việc giao hàng chậm trễ vì nhiều lý do. Một phần vì kiểm soát chặt xe ra vào thành phố, phần vì liên quan đến quy định không cho tụ tập đông người tại khu vực giao hàng. Hiện những nhà xe đang tích cực giải quyết hàng tồn đọng sau phàn nàn của khách.

Song, không chỉ việc phải chờ đợi hay thay đổi địa điểm nhận hàng, một số người còn phản ánh giá cước tăng cao trong những ngày này nhưng không được báo trước.

Anh Hồ Đắc Tôn (quận Tân Phú) cho biết giá ngày thường khi gửi hai bao gạo từ quê vào TP.HCM là 140.000 đồng, nay được báo 320.000 đồng.

“Tôi bức xúc hỏi vì sao đến khi nhận hàng mới biết giá tăng thì không nhận được câu trả lời. Vậy là hai bao gạo quay trở lại quê. Hàng không được nhận mà còn rước thêm bực bội vào người”, anh Tôn cho biết.

Tìm nhiều cách gửi hàng

4 ngày qua, anh Vũ Phương, chủ trang trại Nông sản truyền thống (tỉnh Lâm Đồng) vất vả tìm phương tiện vận chuyển rau xuống TP.HCM cho khách.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng đơn hàng tăng cao nhưng nhiều nhà xe lại không vận chuyển hàng vào trung tâm TP.HCM. Không còn cách nào khác, anh Phương giới hạn số lượng đơn mỗi ngày và chấp nhận thêm tiền phí gửi nhưng vẫn giữ bình ổn giá.

“Ngày thường xe quen tôi gửi hàng có thể vào trung tâm TP.HCM nhưng nay chỉ dừng ở Bình Dương. Tôi đành tìm các xe nhỏ lẻ hơn, đỗ ở các quận ngoại thành TP.HCM rồi nhờ shipper tới bến xe nhận hàng và giao cho khách. Rau củ tới tay khách hàng nếu bị hư, dập thì tôi chịu trách nhiệm hoàn tiền 100%”, anh Phương tâm sự.

 Nhiều người tụ tập tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh nhận hàng tiếp tế từ quê vào ngày 8/7. Lực lượng chức năng đã xử lý nhà xe và yêu cầu người dân không tụ tập. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều người tụ tập tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh nhận hàng tiếp tế từ quê vào ngày 8/7. Lực lượng chức năng đã xử lý nhà xe và yêu cầu người dân không tụ tập. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, để không bị động trước tình hình, nhiều người đang bàn phương án chủ động thuê xe chở hàng hóa chứ không phụ thuộc vào nhà xe.

Anh Nhân Nguyễn, Ban liên lạc Hội đồng hương Tam Dân (tỉnh Quảng Nam) cùng những người trong hội đang tìm đơn vị vận chuyển để chở hàng từ Quảng Nam tiếp tế TP.HCM trong tuần này.

“Nhiều người dân quê đang ở TP.HCM lúc này rất khó khăn khi mua thực phẩm nên chúng tôi dự kiến thực hiện một chuyến xe 0 đồng, giúp vận chuyển hàng hóa của người thân họ đem vào TP.HCM. Khi hàng tới nơi sẽ chia ca mỗi lúc chỉ được 10 người nhận, giữ khoảng cách và thực hiện 5K phòng dịch”, anh Nhân thông tin.

Ngày 8/7, nhiều người tụ tập tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh (đối diện bến xe Miền Đông), nhận hàng tiếp tế từ quê. Sau khi nhận được thông báo, lực lượng chức năng quận Bình Thạnh đã tổ chức phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 những người bên trong bãi xe và yêu cầu người dân không tụ tập.

Ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết bãi xe này không nằm trong các hoạt động kinh doanh thiết yếu nên không được phép hoạt động. Bãi xe liên tục bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng vẫn sai phạm, tụ tập rất đông người, nhất là trong thời kì dịch đang diễn biến phức tạp.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cho-doi-lau-nhieu-rau-cu-tu-tinh-ve-tphcm-bi-hu-hong-post1237574.html