Chờ đợi phim Tết khởi sắc đồng bộ và hấp dẫn

Với khán giả, mỗi mùa phim Tết đều được chờ đợi, quan tâm. Đó cũng là động lực để giới điện ảnh Việt Nam đầu tư, sáng tạo. Ngoài phòng vé, 3 phim Việt năm nay có cuộc rượt đuổi suất chiếu và doanh thu, gồm: 'Bộ tứ báo thủ', 'Nụ hôn bạc tỷ' và 'Yêu nhầm bạn thân'. Đáng kể, 'Bộ tứ báo thủ' đang là bộ phim bất bại ngoài phòng vé cùng các kỷ lục doanh thu mới liên tục được thiết lập, khi đạt hơn 222 tỷ đồng sau 6 ngày công chiếu. Dù vậy, nhiều khán giả đánh giá phim có nội dung rời rạc, kịch bản tụt dốc so với các phim trước của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Trấn Thành.

Cuộc đua phim Tết

Cũng như 3 bộ phim Tết trước của Trấn Thành là “Bố già” (năm 2021), “Nhà bà Nữ” (năm 2023), “Mai” (năm 2024) tỷ lệ thuận với doanh thu và độ “hot” ngoài rạp là tranh cãi không hồi kết trên truyền thông và mạng xã hội về nội dung và chất lượng phim. “Bộ tứ báo thủ” đang nhận về ý kiến trái chiều, người khen nhiều mà người chê cũng không ít. Trên một số trang cộng đồng về điện ảnh, nhiều bài viết cho rằng “Bộ tứ báo thủ” là phim “tệ nhất của Trấn Thành” và được đông đảo người xem đồng tình.

Trước những ý kiến nhận xét về “Bộ tứ báo thủ”, Trấn Thành cho biết những ngày qua, anh đọc và lắng nghe, đón nhận mọi lời khen chê, song mong người ra rạp xem để đánh giá công tâm, khách quan hơn. Đạo diễn giải thích “Bộ tứ báo thủ” thuộc thể loại hài lãng mạn, khác màu sắc tâm lý-chính kịch của 3 phim trước, phù hợp những người đi xem với tâm thế vui vẻ, thoải mái. “Một bộ phim tôi làm ra, người ta có thể xem, trở về nhà trăn trở về nó. Ít nhất cũng là một sự đồng cảm, lắng nghe, bấy nhiêu đó khiến tôi hạnh phúc. Điện ảnh của chúng ta phải sánh vai với các nước, dù có thể non kém, đi sau, song quan trọng vẫn là ý thức vận động và phát triển từng ngày của người làm và người xem”, Trấn Thành nói.

Cũng liên quan đến các phim chiếu Tết, theo đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, hiện doanh số của “Bộ tứ báo thủ” bỏ xa hai phim ra rạp cùng dịp Tết Nguyên đán sau 6 ngày công chiếu là “Nụ hôn bạc tỷ” (doanh thu hơn 57 tỷ đồng) và “Yêu nhầm bạn thân” (doanh thu gần 13 tỷ đồng).

Cảnh trong phim Tết “Nụ hôn bạc tỷ”. Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Tuy không có được loạt thành tích khủng như phim của Trấn Thành, nhưng đạo diễn Thu Trang của “á quân” phòng vé “Nụ hôn bạc tỷ” khá tự tin trước những lời nhận xét ủng hộ của khán giả. “Khi ra mắt, không ai muốn tác phẩm của mình là một dự án dở cả. Sản phẩm nào chạm đến trái tim của người xem nhanh nhất thì sẽ về đích đầu tiên. Tôi hy vọng cả 3 dự án phim ra rạp mùa Tết đều được khán giả ủng hộ. Sự yêu mến phim Việt của đông đảo khán giả chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đam mê, cống hiến và góp phần cho phát triển nghệ thuật, điện ảnh nước nhà”, Thu Trang chia sẻ.

Cần nhiều "cánh én" cho mùa xuân điện ảnh Việt

Dù thị trường điện ảnh Việt Nam được đánh giá là đang phát triển rất sôi động, thế nhưng đối với các nhà làm phim nội địa thì vẫn còn đó không ít khó khăn. Theo đánh giá của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thoát ra khỏi nội hàm “phim thị trường” là hài nhảm, rẻ tiền... từng tồn tại hàng chục năm trong đời sống điện ảnh Việt, những phim có doanh thu cao trong những năm trở lại đây đã có một hàm lượng văn hóa đáng kể. Đáng mừng vì khán giả đã không đến rạp chỉ để cười mà được thưởng thức những bộ phim giàu cảm xúc, giàu chất nhân văn. Điều đáng ghi nhận là xét về mặt công nghệ, kỹ thuật quay, dựng hay kỹ xảo... các phim của điện ảnh Việt đã tiếp cận được với trình độ kỹ thuật công nghệ và tay nghề dàn dựng của khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Nghĩa là chúng ta đã tiếp cận được công nghệ sản xuất phim tiên tiến.

Tuy nhiên, phải nói rằng điện ảnh Việt không chỉ có thế. Hiện trạng thiếu vắng dòng phim chủ lưu trong nhiều năm là một nỗi buồn lớn. Bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới, ngoài việc tự tồn tại bằng các phim đáp ứng thị hiếu khán giả, cũng cần những phim thuộc dòng chủ lưu, tức là những phim khai thác đề tài lịch sử, văn hóa riêng có của đất nước.

Coi đây là nhiệm vụ phát triển văn hóa, quảng bá đất nước, đòn bẩy ngoại giao nhân dân với công chúng cả thế giới, bằng nhiều cách khác nhau, các nền điện ảnh như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... đều có chính sách riêng để nâng đỡ, duy trì và phát triển dòng phim này. Nhưng chúng ta vẫn còn quá lúng túng trong mục tiêu đầu tư, nâng đỡ, đón tay để khuyến khích dòng phim chủ lưu phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có 54 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc, nhưng về mặt thể hiện văn hóa bản địa, điện ảnh Việt vẫn như đang “bơi” trong sa mạc đơn điệu. Thậm chí, có người còn than thở là sao điện ảnh phía Bắc yếu thế?...

Nếu dòng phim thị trường đã làm tốt phần việc của mình, mang lại lợi ích cho khán giả và chính họ, thì phần việc còn lại bao gồm nhiệm vụ quảng bá đất nước với lịch sử đầy chất tiểu thuyết bi tráng và văn hóa phong phú qua các tác phẩm điện ảnh chính là nhiệm vụ của điện ảnh dòng chủ lưu. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, nhưng có nhiều “cánh én” nhập cuộc, hy vọng sẽ góp phần khởi sắc cho mùa xuân điện ảnh.

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, một nền điện ảnh phát triển phải có nhiều dòng phim, không nên so sánh dòng phim đại chúng với dòng phim nghệ thuật “art house” để cho rằng cái này thành công, cái kia thất bại mà phải thấy rằng mỗi thể loại đều có tiêu chí riêng, dòng phim nào cũng thành công khi đạt được tiêu chí của mình. Sự thành công của các đạo diễn, nhà sản xuất qua phim Tết-như sự khởi đầu may mắn của điện ảnh Việt trong năm tạo nên “cuộc đua” ngoài rạp, cùng góp nên làn sóng kéo khán giả đến rạp có thể coi là tín hiệu vui cho công nghiệp điện ảnh Việt.

(Theo www.qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/cho-doi-phim-tet-khoi-sac-dong-bo-va-hap-dan-1033608/