Chờ đợi sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp mới

Để tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp (DN); cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh, góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam, Luật DN năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17-6-2020.

Luật này thay thế cho Luật DN năm 2014 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật DN năm 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, giúp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh. Điều này tạo nên sự kỳ vọng của cộng đồng DN.

Cụ thể, so với Luật DN năm 2014, lần sửa đổi này có nhiều cải cách quan trọng, trong đó nhất quán với tiến trình cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. Với 10 chương và 219 điều, luật đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định DN có thể sử dụng dấu số thay cho dấu truyền thống. Khi thành lập DN, đã có thể đăng ký thông tin qua mạng với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Việc đa dạng phương thức đăng ký DN là sự tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký DN khi luật chính thức có hiệu lực vào đầu năm sau, hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho DN, nhà đầu tư.

Qua tiếp xúc với các chủ DN, giới khởi nghiệp, những thay đổi trong Luật DN năm 2020 rất đáng được chờ đợi, được coi là tín hiệu tích cực, giúp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam trên bảng xếp hạng, đánh giá môi trường kinh doanh toàn cầu. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là qua các phiên bản Luật DN 1999, 2005, 2014 và mới nhất là Luật DN năm 2020 đã tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục gia nhập thị trường cho giới khởi nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là dư địa cắt giảm trong vấn đề này không còn nhiều mà mục tiêu hướng tới lớn lao hơn, bên cạnh khởi sự DN, hình thành về số lượng lớn DN thì điều quan trọng là nâng chất quản trị, giúp DN có điều kiện lớn hơn thông qua những chế định của pháp luật về kinh doanh.

Sứ mệnh của Luật DN mới là chuyển từ mở cửa thị trường, tự do kinh doanh sang nâng cấp quản trị DN. Khi các chủ DN ý thức rõ về quản trị DN, bài toán DN Việt “khó lớn” sẽ được giải quyết. Đây cũng là điều mà các nghị quyết thường niên của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành vào đầu mỗi năm đề cập tới.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202009/cho-doi-su-thong-thoang-cua-luat-doanh-nghiep-moi-3023364/