Cho đồng ruộng thêm xanh

Những năm qua, các địa phương đã chú trọng thu gom, xử lý rác thải trên đồng ruộng, nhất là vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Với những cách làm hay, sáng tạo, nhiều nơi tạo được chuyển biến tích cực trong giữ gìn vệ sinh môi trường tại các vùng sản xuất.

Điểm sáng từ các xã nông thôn mới nâng cao

Với hơn 435 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn một nửa diện tích trồng lúa, trước đây, mỗi năm, người dân xã Danh Thắng (Hiệp Hòa - Bắc Giang) thải lượng lớn vỏ thuốc BVTV ảnh hưởng đến môi trường.

Bể chứa vỏ thuốc BVTV tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa).

Bể chứa vỏ thuốc BVTV tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa).

Trước thực trạng trên, ngay sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016, bắt tay triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, UBND xã quan tâm tuyên truyền, vận động người dân không vứt bao bì thuốc BVTV ra môi trường; bố trí kinh phí xây dựng 50 bể chứa tại các cánh đồng. Bể thu gom được thiết kế hai ngăn, rộng 0,6 m, cao 1 m, dưới có đế bê tông, trên có nắp đậy, được đặt tại các đường chính dẫn ra khu vực sản xuất.

Để các bể chứa phát huy hiệu quả, mỗi thôn thành lập tổ thu gom rác thải trên đồng ruộng, nòng cốt là hội viên nông dân, thanh niên, phụ nữ. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý thuốc BVTV với cây trồng. Hằng tháng, quý (tùy thời điểm người dân sử dụng thuốc nhiều hay ít), các tổ phân loại vỏ thuốc chuyển về nơi tập kết của xã để đưa đi tiêu hủy.

Với các loại rác thải khác như túi ni lông, bao dứa được đốt ngay tại bể. Ông Vũ Đình Hảo, Chủ tịch UBND xã Danh Thắng cho biết: “Với cách làm này, 5 năm trở lại đây, không còn tình trạng vỏ thuốc BVTV vứt trên các cánh đồng, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt gần 100%. Việc làm trên đã góp phần để cuối năm 2021, xã được công nhận đạt NTM nâng cao”.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 5,5 nghìn bể chứa vỏ thuốc BVTV, tập trung nhiều ở các xã NTM. Qua đánh giá, từ khi có các bể chứa, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi giảm đáng kể. Ghi nhận tại xã NTM nâng cao Đoan Bái (Hiệp Hòa), cùng với duy trì hiệu quả 58 điểm thu gom vỏ thuốc BVTV, sau mỗi vụ thu hoạch, các thôn ra quân vệ sinh môi trường đồng ruộng, thu gom rác thải đưa vào điểm xử lý.

Hay như thôn Khả Lý Thượng của xã NTM nâng cao Quảng Minh (Việt Yên) duy trì Tổ khuyến nông với nòng cốt là hội viên nông dân (địa phương duy nhất của huyện thành lập Tổ khuyến nông). Để người dân sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng và để vỏ đúng nơi quy định), Tổ duy trì hoạt động thăm đồng.

Khi phát hiện dấu hiệu sâu bệnh thông báo trên hệ thống truyền thanh để người dân cùng phun và để vỏ thuốc BVTV đúng nơi quy định. “Trước đây, khi có dấu hiệu sâu bệnh, các hộ phun thuốc phòng trừ riêng lẻ, có hộ dùng 3-4 loại thuốc cùng lúc, vừa tốn kém, không hiệu quả lại phát sinh lượng rác thải lớn. Nay, khi xuất hiện sâu bệnh, cả thôn đồng loạt phun thuốc phòng trừ nên hiệu quả cao, có vụ chỉ phải phun 2 lần”, ông Trần Văn Tấn, Trưởng thôn Khả Lý Thượng nói.

Hướng đến sự bền vững

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm 2021, nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 143 tấn thuốc BVTV, trong đó có 64,6 tấn thuốc sinh học. Mới đây, qua khảo sát 500 hộ dân trong vùng sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, cơ quan chuyên môn xác định có 96% số hộ sử dụng thuốc đúng quy định, còn lại sử dụng chưa bảo đảm; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại ruộng đồng của các địa phương đạt 80-85%.

Năm 2021, nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 143 tấn thuốc BVTV, trong đó có 64,6 tấn thuốc sinh học. Hiện toàn tỉnh có 5,5 nghìn bể chứa vỏ thuốc BVTV, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại ruộng đồng của các địa phương đạt 80-85%.

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện chưa được triệt để, thường xuyên, các chất thải trong nông nghiệp được tập kết vào các bể chứa hoặc chôn lấp không đúng quy định làm rò rỉ nước thải ra môi trường.

Tại nhiều địa phương, dù đã xây dựng bể chứa, có hợp đồng xử lý với đơn vị chuyên môn song tình trạng vỏ thuốc BVTV ùn ứ tại các bể vẫn xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Đi đôi với tuyên truyền, nhân rộng mô hình thu gom, xử lý rác thải tại cánh đồng ở những xã NTM nâng cao, trong năm 2022, UBND huyện sẽ giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với doanh nghiệp thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 3 tấn vỏ thuốc BVTV”.

Thực tế, việc sử dụng các loại thuốc BVTV đúng theo hướng dẫn sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, ngược lại sẽ gây hậu quả không nhỏ đối với sức khỏe con người và môi trường. Để khắc phục những hạn chế, cùng với khuyến cáo người dân sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, cơ quan chuyên môn, các địa phương đã quan tâm đến chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Tại huyện Tân Yên, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Sử dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên địa bàn huyện”. Tương tự, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đang chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ và “nói không" với thuốc BVTV.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV nói: “Việc sử dụng thuốc BVTV hợp lý, thu gom, phân loại bao bì sản phẩm ngay từ đầu vừa giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vừa góp phần hình thành những cánh đồng xanh, an toàn. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng canh tác tập trung, chúng tôi sẽ đề nghị các huyện, TP hỗ trợ xây dựng bể chứa ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện tiêu hủy, bảo đảm đúng quy định” .

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/381931/cho-dong-ruong-them-xanh.html