Cho dù là báo địa phương

Bình Phước thuộc số ít tỉnh trong cả nước chỉ có hai cơ quan báo chí theo quy hoạch được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) và Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Trên địa bàn tỉnh còn một ấn phẩm được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động nhưng không thuộc quy hoạch báo chí là Đặc san Người Làm báo của Hội Nhà báo tỉnh.

Trong những năm qua, báo chí địa phương của Bình Phước luôn đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và định hướng chính trị, tư tưởng cho nhân dân trước các sự kiện, vấn đề nổi cộm trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Thực tế cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản quy định nào của pháp luật đưa ra định nghĩa hay tiêu chí về báo chí địa phương hay báo Trung ương, báo ngành. Thường người ta chỉ dựa trên cơ sở cơ quan chủ quản của mỗi cơ quan báo chí ở cấp nào để hiểu đó là cơ quan báo chí địa phương hay thuộc Trung ương.

Biên tập viên Hưng Cát, đại diện nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước nhận giải Bạc thể loại phỏng vấn “Xin phép vợ hiến đất mần đường” tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, năm 2024 - Ảnh: Như Nam

Bạn đọc, bạn nghe - xem đài tỉnh nhà dù ở độ tuổi hay thành phần nào cũng luôn muốn nắm bắt những thông tin địa phương nơi mình sống qua báo chí. Đó là lợi thế mang tính khách quan của báo chí địa phương. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, BPTV không ngừng cải tiến các chuyên trang, chuyên mục, chương trình... và đã đem đến cho công chúng trong tỉnh những thông tin bổ ích, thiết thực trong cuộc sống. Nhiều chuyên mục dù mang nặng yếu tố chính trị nhưng do cách chuyển tải linh hoạt, gần gũi với đời sống đã có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước và phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tạp chí Văn nghệ Bình Phước do mỗi năm chỉ phát hành 7 kỳ nên không thể cạnh tranh bằng sự nhanh nhạy về thông tin, nhưng đã trở thành nơi “giữ lửa” đam mê sáng tác cho những cây bút chuyên nghiệp và “ươm mầm” những cây viết không chuyên cả trong và ngoài tỉnh.

Lợi thế mang tính chủ quan của báo chí địa phương là ban biên tập và phóng viên luôn nắm chắc địa bàn và tình hình trong tỉnh. Là người địa phương, chỉ tác nghiệp trên địa bàn tỉnh nên các nhà báo địa phương thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gần gũi với cơ sở qua nhiều năm hoạt động. Cũng vì nắm chắc tình hình và địa bàn nên BPTV đã phát hiện, làm rõ nhiều vụ việc tiêu cực để thông tin đến bạn đọc. Qua đó, cảnh tỉnh khả năng xảy ra tiêu cực, ngăn chặn thiệt hại cho Nhà nước và tránh tình trạng “mất cán bộ” vì vi phạm. Những năm qua, BPTV, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước luôn nhận được sự quan tâm, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông - là cơ quan lãnh đạo tư tưởng và quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Mọi biểu hiện chệch hướng trong thông tin, tuyên truyền luôn kịp thời được chấn chỉnh. Bởi thế thời gian qua, hai cơ quan báo chí địa phương chưa mắc phải sai lầm nào mang tính chính trị.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, báo chí địa phương cũng có những điều “khó nói”. Trước hết, các phóng viên báo chí địa phương luôn trong tình thế “ăn cây nào rào cây ấy”. Ai cũng biết yếu tố sống còn của mỗi cơ quan báo chí là số lượng độc giả. Và muốn độc giả tìm đến mình thì bên cạnh việc kịp thời cung cấp những thông tin về các vụ việc nổi cộm đã, đang diễn ra trên địa bàn, các báo, đài địa phương còn phải chuyển tải được những vấn đề quan trọng, có tác động đến số đông công chúng đang hoặc sắp diễn ra. Thế nhưng trong thực tế, có vụ việc, vấn đề diễn ra trên địa bàn tỉnh đã lâu, trong khi báo Trung ương, báo ngành và mạng xã hội đã “mổ xẻ” nhiều kỳ mà báo tỉnh vẫn chỉ đưa thông tin dè dặt. Không phải vì các phóng viên báo địa phương không nắm được tình hình vụ việc, mà đôi khi vì những “lý do tế nhị”. Đến khi các cơ quan chức năng xử lý xong vụ việc và công khai thì thông tin ấy với bạn đọc đã quá nguội rồi!

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại Thủy điện Cần Đơn (huyện Bù Đốp)

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại Thủy điện Cần Đơn (huyện Bù Đốp)

Thêm một cái khó của báo địa phương là thiếu nhân lực cần thiết cho sự đổi mới. Viết cho báo ngành có thể thoải mái giật “tít” cho kêu, nhưng báo Đảng địa phương thì không thể. Khi thông tin về các vụ việc, nhà báo phải cân đối liều lượng và mức độ thông tin để tạo hiệu ứng tích cực chứ không thể cứ đẩy vấn đề lên và tha hồ bình phẩm như khi viết cho báo ngành. Bên cạnh đó, sự đãi ngộ của các cơ quan báo chí địa phương thường thấp hơn các cơ quan báo chí Trung ương nên môi trường hoạt động của báo chí địa phương không hấp dẫn những người được đào tạo bài bản.

Cho dù vẫn còn những “chuyện khó nói”, những nỗi niềm chưa vui, nhưng những người làm báo địa phương vẫn hằng ngày, hằng giờ có mặt khắp mọi nơi trong tỉnh để kịp thời chuyển đến công chúng những thông tin sống động của đời sống xã hội. Gặp nhau, các nhà báo trong tỉnh thường chỉ chia sẻ thông tin và động viên nhau chứ chưa có ai vì những nỗi niềm ấy mà có ý định rời xa cây bút. Với riêng tôi, nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn nghề báo - cho dù là báo địa phương!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/160243/cho-du-la-bao-dia-phuong