Chờ gần nửa tháng để chụp PET/CT, bệnh nhân ung thư đau đớn ngất xỉu
Tính từ thời điểm nghi ngờ đến khi được chụp PET/CT để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh lý ung thư, nhiều người mất khoảng 1-2 tháng. Trong thời gian đó, bác sĩ chưa thể đưa ra phác đồ điều trị khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.
LỜI TÒA SOẠN:
PET/CT được đánh giá là phương tiện ghi hình chẩn đoán không xâm nhập, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương tiện hình ảnh khác trong phân loại giai đoạn ung thư, cũng như việc đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát.
Hiện nay, tại TPHCM chỉ duy nhất có Bệnh viện Chợ Rẫy được trang bị hệ thống lò cyclotron cung cấp thuốc phóng xạ F-18 FDG cho các cơ sở có máy PET/CT bên ngoài như Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và Bệnh viện Quân Y 175. Tuy nhiên, do hệ thống này đã cũ không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế nên người bệnh phải chờ đợi kéo dài, vô cùng chật vật. Có người phải tìm cách đi các tỉnh, thành khác, thậm chí là đi nước ngoài để được chụp PET/CT.
VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài "TPHCM thiếu thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư, bệnh viện cầm chừng, người bệnh lao đao".
Chờ đợi kéo dài, người bệnh ung thư mệt mỏi, suy kiệt
Gần 2 tháng trước, bà M.T. (60 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) bất ngờ bị ra huyết sau nhiều năm mãn kinh. Bà đã thăm khám ở các bệnh viện tại địa phương, rồi chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ, sau đó chuyển tiếp sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM do nghi ngờ ung thư cổ tử cung.
Tại đây, bà T. lần lượt được lấy máu xét nghiệm, chụp CT, chụp MRI. Mỗi lần đều hẹn khoảng 5-7 ngày chờ kết quả. Khoảng 2 tuần trước, bác sĩ tư vấn bà chụp PET/CT để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh lý. Thế nhưng, sau khi đăng ký, bà phải chờ 10 ngày mới đến lượt nên lại một lần nữa về Tiền Giang chờ đợi.
Chị H. - con gái của bà T. - cho biết mới đầu, khi có dấu hiệu bệnh, người nhà có thể chở bà bằng xe máy từ Tiền Giang lên bệnh viện để tiết kiệm chi phí. Nhưng càng về sau, vùng tổn thương do ung thư khiến bà đau đớn và đi lại khó khăn, họ buộc phải thuê xe ô tô riêng. Mỗi đợt lên bệnh viện, riêng tiền xe hết hơn 1 triệu đồng.
Chưa kể, đau đớn khiến bà T. ăn ngủ không được, người thân phải mua thuốc giảm đau cho dùng tạm. Dù biết rằng dùng thuốc kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, nhưng họ không còn cách nào khác.
Chị H. khá bức xúc: “Không hiểu sao quá trình khám bệnh lại lâu đến thế. Nhà tôi neo người, em gái làm công nhân nên không thể nghỉ nhiều. Tôi vừa sinh con được 1 tháng nhưng vẫn phải để con ở nhà, đưa mẹ đi viện”.
Chị H. cho biết thêm trong ngày chụp PET/CT cùng mẹ chị, một bệnh nhân khác do phải chịu cơn đau quá lâu đã ngất xỉu tại chỗ.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đa phần người bệnh phải chờ đợi 10-14 ngày mới được chụp PET/CT. Thêm khoảng thời gian thăm khám trước đó nên thời gian chờ đợi được điều trị bị kéo dài, nhiều bệnh nhân ung thư sống trong lo lắng, bất an.
Bà K.P. (59 tuổi, quê An Giang) bị ung thư cổ tử cung. Bà sống đơn độc. Trước đây khỏe mạnh, bà buôn bán nhỏ ở trước nhà để kiếm sống.
Đầu tháng 7 vừa qua, bà P. bị đau bụng, khó đi cầu. Đi khám tại bệnh viện ở An Giang, bác sĩ nghi ngờ bà bị ung thư trực tràng và ung thư cổ tử cung nên chuyển bà lên TPHCM. Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ kết luận bà bị ung thư cổ tử cung, viêm trực tràng.
Khi đang mô phỏng trước khi xạ trị điều trị ung thư, các bác sĩ phát hiện bất thường, nghi ngờ tế bào ung thư đã xâm lấn sâu nên tư vấn bà P. chụp PET/CT. Từ lúc đăng ký đến lúc chụp, bà P. phải đợi 12 ngày.
Chỉ hơn 1 tháng, từ An Giang, bà P. phải lên TPHCM tới 5 lần để khám bệnh. Việc đi lại tốn kém, vất vả, cộng thêm tinh thần suy sụp vì mắc phải “án tử ung thư”, bà đã giảm 7kg. Không đủ sức đi một mình, lần nào bà cũng phải thuê người hàng xóm đi theo để phụ giúp.
Thiếu thuốc, người bệnh tốn kém đủ đường
Bà M.T. hay bà K.P. chỉ là số ít trong những người ở tỉnh lẻ về TPHCM khám bệnh. Ngoài khoản tiền đóng tạm ứng để chụp PET/CT khoảng 10 triệu đồng, họ còn phải chi nhiều khoản khác như tiền thăm khám, đi lại, ăn uống và có khi cả tiền thuê trọ qua đêm vì không kịp bắt xe khách về quê… Nếu bệnh viện có điều kiện chụp được PET/CT ngay cho người bệnh, họ sẽ đỡ một phần phi chí.
Chị T. (ngụ tại TPHCM) là trường hợp hy hữu. Năm ngoái, con gái chị chưa đầy 6 tuổi bị nghi ngờ ung thư hạch. Cô bé được chỉ định chụp PET/CT. Tuy nhiên lúc này, toàn bộ các bệnh viện ở TPHCM hết thuốc phóng xạ F-18 FDG. Bác sĩ nói với chị T. không biết phải chờ bao lâu.
Lo cho con, chị T. hỏi thăm một số người có kinh nghiệm rồi tự liên hệ với một bệnh viện ở Hà Nội để đăng ký ra đó chụp PET/CT với chi phí 25 triệu đồng (không được bảo hiểm y tế chi trả). Gia đình phải tự lo tiền đi lại, ăn ở.
Rất may, trong lúc chờ đợi, chị T. nhận được thông báo đã có thuốc nên con gái có thể chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, không phải ra Hà Nội nữa. Đến nay, con chị vẫn đang điều trị căn bệnh ung thư hạch.
Chị T. bày tỏ: “Do con tôi có dấu hiệu bệnh vào thời điểm máy đã được mang đi sửa, khoảng 1 tuần sau là có thuốc để chụp. Những người phát hiện bệnh sớm hơn thì phải ra Hà Nội do không thể chờ đợi lâu hơn nữa.”.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS.BS. Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cho biết bệnh viện đã được trang bị 2 máy PET/CT. Nếu được cung cấp đủ thuốc F-18 FDG, công suất chụp tối đa lên đến 60 ca/ngày. Tuy nhiên, do lượng thuốc được chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy hạn chế nên mỗi ngày, bệnh viện chỉ thực hiện được cho 7-9 ca - đáp ứng 1/3 nhu cầu. Vì vậy, người bệnh phải chờ thời gian dài, trung bình khoảng 10 ngày mới được chụp.
Còn ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 175 cho thấy suốt những năm qua, nguồn phóng xạ để thực hiện kỹ thuật này đều do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển nhượng. Tuy nhiên, số lượng chụp cũng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 7-8 trường hợp/ngày.
Theo BS. Tuấn, trong trường hợp không đủ điều kiện chụp PET/CT, bác sĩ buộc phải cho chỉ định cận lâm sàng khác thay thế như CT, MRI… Đối với nhiều trường hợp, các phương pháp thay thế trên không thể đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và sớm về những thay đổi sau điều trị, bệnh tồn lưu hay tái phát để đưa ra phác đồ thích hợp.
Trước đó, nhiều lần, lò cyclotron của Bệnh viện Chợ Rẫy bị trục trặc, không thể hoạt động. Có những bệnh nhân phải di chuyển ra tận Hà Nội hay các tỉnh khác, thậm chí phải ra nước ngoài để thực hiện việc chụp PET/CT.