Chờ gì ở cuộc đua?

Bóng đá có sức hút lớn thế nào với giới mộ điệu thì những chiếc 'ghế nóng' ở cấp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng tạo nên cuộc đua gay cấn và không kém phần kịch tính. Đại hội VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) sắp diễn ra vào đầu tháng 11 cũng không ngoại lệ.

Lợi thế cho dàn lãnh đạo đương nhiệm

Lịch sử các kỳ đại hội VFF, khóa 8 có lẽ là một trong những cuộc đua căng thẳng, quyết liệt nhất. Sự ganh đua giữa các ứng viên trong hậu trường biến thành màn “đấu tố” trên truyền thông. Đại hội nhiều lần phải hoãn, chỉ được “tháo ngòi” khi ngành thể thao quyết định đưa Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời điểm đó là ông Lê Khánh Hải ra ứng cử, như một phương án an toàn.

So với khóa 8, Đại hội VFF khóa 9 sắp tới đã giảm đáng kể sức nóng khi ghế chủ tịch chỉ có một ứng viên là ông Trần Quốc Tuấn. Với kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm cùng năng lực chuyên môn thể hiện qua thực tế, ông Tuấn nhận được sự tín nhiệm của 100% tổ chức thành viên.

Một thực tế khác, thành tích 5 năm qua của bóng đá Việt Nam gắn liền với tên tuổi huấn luyện viên Park Hang-seo cũng khiến cuộc bầu cử khóa 9 êm ả hơn. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Hàn Quốc, các đội tuyển bóng đá quốc gia đã gặt hái vô số thành công ở cấp độ khu vực lẫn châu lục. Có thể kể đến ngôi á quân Vòng chung kết U.23 châu Á 2018, chức vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 hay 2 huy chương vàng SEA Games của đội U.23 Việt Nam...

 Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 có dấu ấn của VFF khóa 8.Ảnh: THIÊN THANH.

Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 có dấu ấn của VFF khóa 8.Ảnh: THIÊN THANH.

Công tác truyền thông, vận động tài trợ của VFF cũng đạt những bước tiến mới, nhận được sự đánh giá cao của người trong giới. Chính điều này giúp dàn lãnh đạo đương nhiệm VFF “ghi điểm” với các tổ chức thành viên. Bên cạnh Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, các lãnh đạo VFF khác như Phó chủ tịch tài chính Lê Văn Thành, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại Cao Văn Chóng hay Chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú đều được nhiều tổ chức thành viên giới thiệu ra tranh cử. Ông Trần Quốc Tuấn không có đối thủ, trong khi các ông Lê Văn Thành, Cao Văn Chóng và Trần Anh Tú cũng được đánh giá là những ứng viên lớn, có nhiều lợi thế.

Chiêu trò trước đại hội

Tương tự các kỳ đại hội trước, ứng viên cuộc đua khóa 9 đều tận dụng tối đa thời điểm cận kề đại hội để “ghi điểm” với các tổ chức thành viên. Không phải ngẫu nhiên vừa có tin VPF sẽ bán bản quyền V-League từ mùa giải sau cho FPT với số tiền không dưới 55 tỷ đồng. Con số này vượt nhiều lần so với giá trị bản quyền truyền hình V-League những năm trước. Người trong cuộc hiểu đây là một màn “PR” đẹp mắt với các lãnh đạo VPF, VFF đương nhiệm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc đua ở đại hội VFF cũng diễn ra theo chiều hướng tích cực. Không ít cuộc đua vào những chiếc “ghế nóng” VFF trong quá khứ luôn rất căng thẳng, kèm theo những đòn “tiểu xảo” sau hậu trường, thường được người trong cuộc ví như miếng đánh “dưới thắt lưng” đối thủ.

Đại hội VFF khóa 9 có lẽ không ngoại lệ dù mức độ ganh đua giữa các ứng viên không quá căng thẳng. Cuộc đua nóng nhất hiện chỉ xoay quanh ghế Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại, với 4 ứng viên đăng ký vào phút cuối, gồm: Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thể thao T&T Nguyễn Quốc Hội, Phó tổng giám đốc VTVcab Nguyễn Thị Hoàng Phương và Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Phù Đổng Nguyễn Xuân Vũ. Những người làm bóng đá lâu năm mới đây đã lắc đầu ngao ngán, khi xuất hiện những luồng thông tin tiêu cực nhằm vào Phó chủ tịch Cao Văn Chóng. Không khó để nhận ra, đây đều là những thông tin có chủ đích, với mục tiêu hạ bệ đối thủ.

Bàn luận vấn đề này, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu cho rằng: “Trong bóng đá, một đội bóng phải chơi xấu, chơi rắn trước đối thủ là đội bóng yếu. Bạo lực, đá xấu là biểu hiện của kẻ yếu. Đá bóng nếu không thể chơi đẹp để thắng (đẹp) thì dù chơi “tiểu xảo” cỡ nào, rốt cuộc sẽ thua”.

Dư luận dù vậy chờ đợi, Đại hội VFF khóa 9 vẫn sẽ là nhiệm kỳ có tính bản lề, xây dựng được đội ngũ lãnh đạo VFF mạnh, tâm huyết. Đây là yêu cầu cần thiết để bóng đá Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được 5 năm qua, từ đó hướng tới những đích cao hơn. Theo nhà báo Nguyễn Lưu, Đại hội VFF khóa 9 nên dành thời gian để các ứng viên trình bày đề án phát triển bóng đá Việt Nam, qua đó có thể giúp các đại biểu có thêm cơ sở lựa chọn người xứng đáng vào vị trí quan trọng.

VĨNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/cho-gi-o-cuoc-dua-709418