Chờ 'gương vỡ lại lành'

Theo báo Wall Street Journal, nhiều tập đoàn của Mỹ và châu Âu chuẩn bị quay lại Trung Quốc từ khi nước này mở cửa trở lại sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hành khách xếp hàng để làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 8-1-2023. Ảnh: THX/TTXVN

Hành khách xếp hàng để làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 8-1-2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vài tháng nữa, hàng chục đại diện công ty Mỹ dự trù tham dự hội nghị các doanh nhân đầu tiên thời hậu Covid-19 được tổ chức tại Trung Quốc. Với tỷ lệ tăng trưởng còn 3% trong năm 2022, Bắc Kinh kỳ vọng nhiều vào cuộc hội ngộ với doanh nhân nước ngoài để thu hút thêm đầu tư quốc tế. Thế nhưng, những tranh cãi liên quan đến khinh khí cầu đã “phủ thêm một lớp băng” lên các hoạt động kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. “Vào thời điểm mà Trung Quốc muốn ổn định quan hệ với Mỹ để bảo đảm cho phát triển kinh tế và để đọ sức với Mỹ một cách lâu dài hơn, vụ tranh cãi liên quan đến khinh khí cầu giữa hai nước đã gây ra khủng hoảng về chiến lược”, nhà nghiên cứu Tong Zhao, Trung tâm Carnegie Tsinghua, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định.

Tương tự, Giáo sư kinh tế Mary Francoise Renard của Đại học Clermont-Ferrand (Pháp), nhận định, sự cố xảy ra vào lúc kinh tế Trung Quốc cần công nghệ, cần những phát minh của phương Tây để nâng cấp cỗ máy sản xuất, đẩy cao chất lượng dù đã đạt được rất nhiều tiến bộ… Danh sách vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện khá dài với nội dung cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ đứng đầu. Chuyên gia Marc Julienne, Viện Quan hệ quốc tế Pháp, nhấn mạnh, đây là chìa khóa của toàn bộ tiến trình công nghiệp, kể cả công nghiệp quốc phòng, không gian trong tương lai. Do đó, Bắc Kinh muốn thương lượng với Washington để nới lỏng các biện pháp cho phép chuyển giao công nghệ cho các đối tác nước ngoài; mong muốn Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, trước mắt những nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ - Trung Quốc đang bị sự cố khinh khí cầu thách thức. Các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài phải kiên nhẫn thêm một thời gian nữa mới hy vọng trông thấy viễn cảnh thuận lợi hơn. Về ngoại giao và thương mại, kinh tế, cảnh “gương vỡ lại lành” đã nhiều lần lặp đi lặp lại trong lịch sử. Chắc chắn, tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) từ ngày 17 đến 19-2 tới, ống kính truyền hình thế giới sẽ tập trung vào Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cho-guong-vo-lai-lanh-post678903.html