Chợ hạng 1 ế ẩm sau giãn cách

Tính đến ngày 15-12, hầu hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Đồng Nai đều đã hoạt động bình thường trở lại. Theo chia sẻ của các tiểu thương, doanh thu giảm mạnh so với trước vì mua bán bên ngoài chợ và trực tuyến nở rộ.

Bà Nguyễn Thị Linh, tiểu thương chợ Tân Hiệp lấy hàng phục vụ khách

Bà Nguyễn Thị Linh, tiểu thương chợ Tân Hiệp lấy hàng phục vụ khách

Mong muốn của các tiểu thương là ban quản lý chợ và các cơ quan chức năng dẹp bỏ chợ tạm, buôn bán bên ngoài chợ để hoạt động mua bán ở chợ truyền thống trở lại quy củ.

* Chợ mở, sạp vẫn đóng

Chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) là một trong những chợ hạng 1 của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, chợ đã mở cửa hoạt động trở lại được gần 1 tháng nhưng nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài. Các sạp hàng mở cửa thì ế ẩm.

Bà Nguyễn Thị Linh, chủ sạp hàng số 171 cho biết, ngay khi chợ có thông báo hoạt động trở lại bà đã bổ sung nguồn hàng và ra chợ bán, nhưng buôn bán rất chậm, có ngày chẳng bán được món nào. “Không riêng gì tôi mà nhiều tiểu thương khác cũng bán hàng chậm lắm. Trước đây bán được 10 phần giờ chỉ bán được 2 phần. Lâu lâu mới có người vào chợ mua ít áo quần, dép cho trẻ con, đồ người lớn gần như không bán được. Nhiều sạp hàng vẫn đóng cửa vì ế, bị nhiễm bệnh, cũng có sạp nghỉ bán đi làm việc khác” - bà Linh chia sẻ.

Cũng tại chợ Tân Hiệp, chủ sạp hàng số 157 cho hay, không ra chợ thì buồn mà ra chợ chỉ ngồi lướt điện thoại với tán gẫu. Theo người này, người dân vẫn ngại vào chợ vì mua hàng ở ngoài chợ, trên mạng rất dễ dàng, không phải khai báo y tế, không phải tốn tiền gửi xe.

Khoảng 1/3 số sạp hàng thịt ở chợ Tân Phong chưa mở bán trở lại

Khoảng 1/3 số sạp hàng thịt ở chợ Tân Phong chưa mở bán trở lại

Chợ Tân Phong (TP.Biên Hòa) cũng trong tình trạng tương tự, nhiều sạp hàng thịt, cá, đồ khô chưa mở bán. Bà Thía, chủ sạp thịt gà cho biết, có khoảng 2/3 sạp hàng thịt mở bán trở lại nhưng vẫn ế. Trước đây mỗi ngày bà bỏ mối và bán tại chợ khoảng 50-60 con gà nay chỉ bán được hơn 10 con. Chợ chỉ đông khách một chút khoảng 8-9 giờ còn lại rất vắng. Có ngày bà âm vốn vì phải bán rẻ cho hết hàng.

“Chợ vắng người, buôn bán ế ẩm vì mua bán hai bên đường rất sôi động. Những người buôn bán hai bên đường không phải là tiểu thương kinh doanh lâu năm ở chợ mà từ nơi khác đến, không có đăng ký kinh doanh, không phải đóng tiền hoa chi (tiền vệ sinh, mặt bằng). Chúng tôi kiến nghị lên Ban quản lý chợ Tân Phong là phải dẹp buôn bán bên ngoài thì chúng tôi mới bán được hàng nhưng Ban quản lý chợ trả lời chỉ quản lý kinh doanh bên trong chợ, bên ngoài phường quản lý” - bà Thía cho hay.

Còn tại chợ Biên Hòa, trái ngược với cảnh đìu hiu của các sạp hàng bên trong là cảnh mua bán nhộn nhịp xung quanh chợ. Bà Hoa, một tiểu thương bán rau củ quả ngoài đường cho biết, bà có đăng ký kinh doanh, có quầy sạp nhưng vẫn tranh thủ ra đường ngồi bán lúc sáng sớm vì bên trong vắng khách quá.

Người dân mua bán ở lề đường bên ngoài chợ Biên Hòa

Người dân mua bán ở lề đường bên ngoài chợ Biên Hòa

“Tôi tranh thủ bán một lúc buổi sáng bên ngoài rồi vào lại trong chợ. Tôi cũng muốn vào chợ ngồi bán cho mát mẻ, không phải chạy đi chạy lại nhưng mối mang, người dân chưa muốn vào bên trong mua. Phần vì bên ngoài hàng hóa đầy đủ, phần vì tiêu chí phòng chống dịch bên trong chợ rất nghiêm ngặt” - bà Hoa nói.

* Cần xử lý kinh doanh tự phát

Chợ Sặt (TP.Biên Hòa) ngày 15-12 mới chính thức mở cửa, nhưng trước đó nhiều tiểu thương đã vào chợ chuẩn bị hàng phục vụ khách. Bà Nguyễn Thị Trường, chủ tiệm tạp hóa Cô Trường chia sẻ, chợ Sặt là chợ đầu mối về các mặt hàng ẩm thực khô. Thời điểm này vào mùa chạy hàng Tết nên tiểu thương rất mong chợ hoạt động ổn định, an toàn. Để làm được điều này, Ban quản lý chợ phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bên ngoài chợ, kiểm soát phòng chống dịch nhưng phải cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến mua hàng.

Anh Nguyễn Văn Cảnh, tiểu thương chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho rằng, thời điểm hiện tại nguồn hàng về chợ dồi dào, thuận lợi. Tuy nhiên, một số tiểu thương vẫn bán thịt, rau củ quả dọc quốc lộ đoạn từ công viên Long Bình đến chợ Tân Biên vì nhiều tháng qua chợ đóng cửa, tiểu thương phải thuê mặt bằng bên ngoài để kinh doanh, hiện chưa hết hợp đồng thuê nên chưa vào chợ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động mua bán bên trong chợ. Anh Cảnh mong chính quyền, Ban quản lý chợ có biện pháp xử lý nghiêm các điểm kinh doanh tự phát. Ngoài ra, Ban quản lý chợ có sự hỗ trợ thiết thực cho tiểu thương, chẳng hạn như giảm tiền hoa chi 1 hoặc 2 tháng kinh doanh chậm.

Sạp hàng ở chợ Tân Hiệp phủ bạt đóng cửa

Sạp hàng ở chợ Tân Hiệp phủ bạt đóng cửa

Nhiều tiểu thương cho rằng, hiện nay việc kinh doanh tại các chợ hạng ở TP.Biên Hòa ế ẩm vì buôn bán ở chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát quá nhiều. Thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, các chợ truyền thống đóng cửa không nói, nhưng nay các chợ đã mở cửa, nguồn cung hàng hóa dồi dào; các loại hàng hóa được kiểm soát về giá cả, nguồn gốc. Do đó địa phương phải xử lý các trường hợp buôn bán tự phát ở lề đường, chợ tạm, đưa tất cả tiểu thương vào chợ để hoạt động mua bán trở lại quy củ, thuận tiện cho công tác phòng chống dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo Ban quản lý chợ Sặt, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các tiêu chí phòng, chống dịch. Ban quản lý chợ đã tạo điều kiện cho các tiểu thương mở cửa dọn dẹp, kiểm tra hàng hóa. Qua nắm tình hình, một số hàng hóa hư hỏng, hết hạn sử dụng phải bỏ. Sắp tới mong UBND thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho chợ hoạt động trở lại bình thường. Ban quản lý chợ kiến nghị chính quyền, các sở, ngành, trật tự đô thị quản lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, tạo điều kiện cho hoạt động mua bán ở chợ truyền thống.

Dưới góc độ người dân, chị Nguyễn Thị Lan, P.Hóa An, TP.Biên Hòa cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do buôn bán ở bên ngoài phát triển, vào chợ phải khai báo y tế phức tạp cũng phải nhìn nhận lại chất lượng hàng hóa, dịch vụ bên trong chợ. Theo chị Lan, mỗi lần gửi xe vào chợ rất khó khăn. Nhiều hàng hóa bán bên trong chợ trưng bày mất vệ sinh, không có niêm yết giá và thường đắt hơn so với bên ngoài.

Hiện hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đều đã hoạt động trở lại. Trái với hình ảnh mua bán tấp nập ở chợ cóc, chợ tạm, lề đường là tình trạng ế ẩm, vắng khách ở các chợ hạng. Để các chợ hạng trở thành nơi mua bán an toàn, chất lượng, cần phải dẹp bỏ chợ tự phát. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của các ban, ngành, cơ quan quản lý và cả chính quyền địa phương. Bản thân những người kinh doanh, ban quản lý chợ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát chất lượng hàng hóa và thay đổi thái độ phục vụ. Người dân phải thay đổi thói quen mua hàng.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202112/cho-hang-1-e-am-sau-gian-cach-3094687/