Cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Phải đánh giá kỹ tác động
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó bỏ quy định cấm học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học, đã gây ra những ý kiến trái chiều.
5 tác hại khi học sinh dùng điện thoại di độngTại Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, quy định Các hành vi HS không được làm, bao gồm: Sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Như vậy, so với Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT cấm hoàn toàn việc HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, thì theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, HS được sử dụng ĐTDĐ phục vụ cho học tập khi được giáo viên cho phép. Trong khi có những phụ huynh đồng tình với quy định mới bởi giúp cho con họ có cơ hội được tìm hiểu thêm thông tin thì không ít cha mẹ phản đối vì lo ngại tác động tiêu cực khi con dùng ĐTDĐ như: Lơ đãng việc học, vụng trộm nhắn tin cho bạn, chơi game... Rồi việc kết bạn với những người chưa bao giờ gặp mặt, xem hình ảnh khiêu dâm...
Chị Trần Thu Thủy, ở quận Thanh Xuân bày tỏ: “Tôi không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT cho phép HS được dùng ĐTDĐ bởi hai lý do: Học sinh dùng thoải mái vào nhiều mục đích, người lớn không kiểm soát được dẫn đến không tập trung học. HS con nhà nghèo sẽ đòi bố mẹ mua ĐTDĐ, khi không được đáp ứng, chúng sẽ trộm tiền hoặc nói dối đóng thêm khoản gì cho nhà trường để có tiền mua điện thoại”.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những mặt lợi và hại khi dùng ĐTDĐ trong lớp học. Mặt lợi gồm: HS có kỹ năng thông tin; kết hợp được bài giảng có phần mềm hỗ trợ học tập và dạy như tài liệu có nội dung số; tìm kiếm thông tin cho bài học dễ hơn. Khi HS sử dụng ĐTDĐ có thể thông báo tình hình sức khỏe hay những vấn đề an ninh cho người thân hoặc nhân viên an ninh trường học. Nhưng, lại có những tác động không mong muốn như: HS nghe nhạc thường xuyên, chơi điện tử, trò chuyện và gọi điện cho bạn bè, theo dõi mạng xã hội. “Việc sử dụng ĐTDĐ quá nhiều khiến HS mất tập trung và lãng phí thời gian. Các em bị cuốn vào thế giới ảo đến mức quên hết những thứ quan trọng khác” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định.Nên hay không?Nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT đón nhận Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học phục vụ cho học tập khi được giáo viên cho phép, với thái độ đồng tình. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) nhận xét: “Bộ GD&ĐT đã có quy định cởi mở. Giáo viên có quyền cho HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học nhưng phải có năng lực để quản lý; phụ huynh cũng phải giáo dục con sử dụng ĐTDĐ thay vì lo lắng”. Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đoàn Minh Châu đồng ý với HS sử dụng ĐTDĐ cho một số môn học đòi hỏi tra cứu, tìm thông tin trên mạng, chụp lại bài giảng... Tuy nhiên, cái khó là giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng ĐTDĐ của HS trong giờ học, đặc biệt giờ kiểm tra, nếu không sẽ dẫn đến mặt trái. Khẳng định quan điểm HS được quyền tiếp cận thông tin, Hiệu trưởng trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Cầu Giấy) Vũ Ngọc Hảo cho biết: Từ trước đến nay, trường không cấm tuyệt đối HS sử dụng điện thoại nhưng yêu cầu dùng hợp lý, an toàn trên mạng. Tại trường Hermann Gmeiner đã có giáo viên cho HS được sử dụng điện thoại phục vụ học tập. Để thực hiện Thông tư 32, đầu tháng 10/2020, trường Hermann Gmeiner sẽ phối hợp với một đơn vị tổ chức tập huấn cho giáo viên, sau đó hướng dẫn HS về an toàn trên môi trường mạng và nâng cao các kỹ năng cần thiết để làm chủ môi trường số.Riêng thầy Hoàng Văn Khánh - giáo viên Toán, Chủ nhiệm lớp 10A3, trường Phổ thông Hermann Gmeiner sau một thời gian thực hiện việc cho HS dùng ĐTDĐ trong lớp học nhận xét: Các HS dùng ĐTDĐ phục vụ cho việc học còn rất khó. Bởi, hình thức học tập, tương tác giữa giáo viên và HS phần lớn qua máy chiếu hay với laptop, máy tính phòng tin học. Rất ít tình huống HS sử dụng được điện thoại để tương tác với việc học. Đồng ý với chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc HS được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học khi được giáo viên cho phép, ông Hoàng Ngọc Vinh khuyến nghị Bộ cần đánh giá tác động nhiều mặt và nên có quy định chặt chẽ, xem xét điều kiện đội ngũ giáo viên và hoàn cảnh của các gia đình không thể mua điện thoại thông minh cho con học. “Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, giáo viên phải dạy cho HS cách sử dụng thông minh, có trách nhiệm và văn hóa. Đồng thời, giáo viên hướng dẫn nguồn thông tin cho HS qua các link hoặc app cho việc học” - TS Hoàng Ngọc Vinh đề nghị.Nhiều ý kiến phụ huynh cũng kiến nghị trước khi Thông tư 32 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể về sử dụng ĐTDĐ trong lớp học để các trường, giáo viên triển khai, HS dùng điện thoại mang lại hiệu quả cho việc học. Hơn nữa, phải có đánh giá cụ thể tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện còn nhiều khó khăn, điều kiện trang bị ĐTDĐ cho HS còn rất hạn chế.
"Để triển khai Thông tư 32, các trường, giáo viên nên khảo sát nhu cầu, cách thức HS sử dụng điện thoại trong lớp và cũng là lấy ý kiến, sáng kiến của các em trong việc dùng sao cho phù hợp. HS cũng như giáo viên cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng của việc sử dụng công nghệ hợp lý, an toàn, thông minh để hợp tác hiệu quả trong dạy và học. " - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển Nguyễn Phương Linh
(Trần Oanh ghi)
"Việc dùng ĐTDĐ phục vụ học tập vừa giúp tiếp thu thêm kiến thức lại tạo ra những giờ học thú vị hơn, giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, HS sử dụng ĐTDĐ cũng sẽ xảy ra một số bất cập, bởi trong điện thoại chứa nhiều ứng dụng, nội dung không liên quan đến bài học. Những bạn chưa chú ý đến bài giảng, việc sử dụng ĐTDĐ có thể là cơ hội để chơi điện tử, lướt mạng xã hội... khiến giáo viên khó quản lý. " - Lưu Thu Trang - HS lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
(Trần Oanh ghi)
"Bối cảnh xã hội hiện nay đang chuyển đổi mạnh mẽ nên khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trong thời đại số, ĐTDĐ cũng là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc tra cứu nguồn học liệu cho HS, giáo viên. Giáo viên sẽ vẫn là người quyết định cuối cùng việc có cho HS dùng ĐTDĐ hay không và là người giám sát hoạt động này." - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.
(Kim Thỏa ghi)