Chợ Lách nghĩa tình
Không hiểu sao mỗi lần con phà Cổ Chiên cập bến phía bờ Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), lòng tôi lại thấy dâng lên những cung bậc thanh thản lạ thường. Đó không phải cảm xúc của một người khi đến miền đất lạ, mà là nỗi bâng khuâng cao đẹp của sự hồi hương.
Có lẽ bấy lâu nay, tôi đã xem Chợ Lách như quê hương thứ hai của mình nên mỗi khi về lại, lòng chợt dậy bao nỗi niềm cố xứ.
Chợ Lách buồn, hẳn nhiên là vậy. Có lẽ vì thế mà khi nghe tên “Chợ Lách”, nhiều người vẫn nghĩ đây là một cái chợ chen lẫn giữa vùng lau lách hoang sơ? Rồi với sự tưởng tượng không biên độ, ta sẽ hình dung những chiếc xuồng ba lá khua dầm len lỏi từ các kênh rạch tụ họp về, bán buôn mớ cá mớ rau xong lại xuyên qua mấy tán bần trở về chốn cũ.
Kỳ thực, huyện Chợ Lách nằm phía trên cùng của cù lao Minh, chiều dài địa lý khoảng hai mươi cây số, chiều ngang được giới hạn bởi hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên. Nơi này được phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ đặc ân, hoa thơm trái ngọt nhiều vô kể. Cư dân nơi đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề làm vườn, trồng hoa kiểng.
Chính bởi vùng đất này bị các con sông lớn “cô lập” nên người dân nơi đây sống rất nghĩa tình. Họ âm thầm sống, tựa nương nhau sinh tồn bao thế hệ bên những mảnh vườn xanh um, những dòng sông bên bồi bên lở.
Người Chợ Lách sống nghĩa tình
Có lần tôi gọi điện cho bạn, nói đang ở cồn Phú Đa, một cồn đất nhỏ thuộc huyện Chợ Lách, nằm lọt thỏm giữa sông Cổ Chiên và sông Bổn Sồ. Bạn hỏi nơi ấy thế nào. Tôi bảo, buồn lắm, buồn như một mối tình tan vỡ.
Những vườn cây ăn trái hờ hững sà ra hai bên lối mòn nhỏ xíu dùng làm lối đi chung cho cả xóm. Những căn nhà nằm nép mình dưới vòm lá xanh um, cửa đóng im ỉm như lâu rồi chưa bao giờ đón khách. Vài ánh mắt ngơ ngác lơ đễnh khi bắt gặp gương mặt lạ đang xâm nhập “lãnh thổ” tịch liêu.
Buồn đến mức tôi nghĩ nếu sống ở đây, không chừng lúc nào đó tôi sẽ hóa thành đá vì yên vị quá lâu trong sự tĩnh lặng. Cồn Phú Đa có một nhà thờ nhỏ với khoảng hơn hai mươi giáo dân. Gác chuông buồn như một tiếng kinh cầu. Giờ hành lễ lác đác người ngồi trong giáo đường rêu phong bụi bám.
Chú Bảy Dũng nhà gần đó thấy tôi đứng thẫn thờ bên góc giáo đường bèn mời về nhà ông chơi. Pha trà, châm thuốc xong chú bảo, cháu xa xôi quá tới được đây thiệt quý, ở lại ăn với chú bữa cơm, làm vài ly đế nghen. Cách chú nói rất ư bình thản, không khách sáo như lời mời, mà chân thành khó cưỡng.
Tôi nhớ cậu Hai tôi ở nhà cũng hay nói kiểu này, mầy đi rửa mặt đi để cậu sai sắp nhỏ dọn cơm, nhậu nghen mậy. Bữa nọ xuống Chợ Lách, tôi gặp chị Tiệp bán dừa gần UBND xã Vĩnh Bình. Mới dừng xe lại chưa mở nón bảo hiểm ra chị đã nói, mới xuống hả cưng, ngồi nghỉ đi chị chặt dừa cho uống. Nghe nhiêu đó, chưa cần uống miếng nước dừa nào hết mà cái vị mát ngọt đã thấm tận huyết quản rồi.
Chị hỏi, công việc trên đó cũng thuận lợi hết he? Cả nhà khỏe hả cưng? Chị đưa trái dừa cho tôi rồi cười một cái sáng bừng. Nghĩ bụng, chị này mà biểu uống chút đi rồi vô ăn cơm, chị dọn, má nhắc mày hoài đó... chắc hổng khác chút xíu nào với chị hai chị ba nhà tôi.
Ngồi với chú Bảy Dũng một chút tôi xin phép về, chú nói mai mốt có xuống cứ ghé, biết nhà rồi đó. Tôi dạ. Thâm tâm nghĩ chắc chắn sẽ còn gặp lại chú. Cái tình luôn có sức níu chân người.
Đò đêm Phú Đa chạy chầm chậm, len qua những bóng bần nhòa nhạt dưới vành trăng non đầu tháng. Mấy chị làm vườn về muộn đứng trò chuyện với nhau. Bà lão bán vé số kể số bà rất sướng, đi bán xong rồi về nhà chẳng bao giờ con cháu cho làm động móng tay.
Chị nọ bảo, con ráng mần vườn vài năm nữa kiếm vốn cất cái nhà cho hai đứa nhỏ ra riêng. Một anh dáng vẻ đang say, điện cho “chiến hữu” bảo, tao đang về đây, tình thương mến thương nghe, ừ, bữa nay chơi tới bến luôn. Rồi im lặng. Im lặng đến mức có thể nghe được tiếng thở của dòng sông.
Những cảm giác
Tôi đã đi qua biết bao con sông, mỗi con sông có hơi thở riêng, không dễ gì vẽ lại. Tôi từng xem ảnh con sông Bổn Sồ xanh vời vợi lục bình trôi, từng cắn mấy con ốc đắng bắt dưới lòng sông này đem trộn gỏi bắp chuối sáp.
Thế nhưng khi thả mình trên con sông trong đêm thanh vắng, tôi bỗng thấy chữ nghĩa bất lực với hồn phách dòng sông. Mặt sông Bổn Sồ vẫn tĩnh lặng soi bóng bao số phận, thản nhiên một cách bình tâm.
Vùng đất nào được những dòng sông ôm ấp thì hiền hòa và trù phú. Chợ Lách cũng thế. Có lần được anh bạn dẫn đi tham quan vườn chôm chôm. Đường từ tỉnh lộ vào vườn chạy dưới những rặng cây mát rượi, dịu dàng như bài thơ lục bát.
Bỗng chốc hiện ra trước mặt những chùm chôm chôm chín đỏ, rực rỡ như hàng trăm hàng ngàn chùm pháo hoa tung lên bầu trời.
Chôm chôm vườn nhìn đẹp mắt và ăn cũng rất thơm ngọt. Anh chủ vườn khoe, đất này phù sa dữ lắm nên trồng cây ăn trái là hết sẩy. Ảnh cũng không cần phải chứng minh nhiều, chỉ dẫn tôi rong ruổi hết vườn chôm chôm đến vườn nhãn, sầu riêng, măng cụt, bòn bon...
Vườn nào cũng sai trái. Trái nào cũng đậm đà như cái tình anh chủ vườn đối với khách phương xa. Ảnh tên Tấn Vũ, từng dang dở chuyện học hành vì phải bươn chải từ sớm lo cho đàn em nheo nhóc, anh tỏ ra rất hiểu lẽ đời.
Mọi thứ toát ra từ anh luôn chuẩn mực, thấu đáo. Anh bảo, hầu hết các giống cây ăn trái xứ Chợ Lách trước đây được ngài Trương Vĩnh Ký mang về từ một số nước bạn. Rồi ông dạy cho người dân cách gieo trồng, chăm bón, truyền lại cho đến hôm nay.
Tôi từng nghe nói nhiều về cụ Trương Vĩnh Ký với những đóng góp thiết thực về phương diện nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, văn chương; về công - tội của ông trong giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta thời thuộc Pháp. Nhưng công trạng của ông với dân làm vườn có lẽ lần đầu tiên tôi được nghe.
Thật không gì thú vị bằng ý nghĩ, bậc tài danh như cụ Trương Vĩnh Ký lại có đóng góp rất lớn cho vùng Cái Mơn - Chợ Lách trở thành “nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước”, vừa được sách Guinness Việt Nam công nhận mấy năm qua.
Có lẽ một phần nhờ cụ Trương Vĩnh Ký mà ngày nay, đối với người dân Chợ Lách, nếu Tết Nguyên đán là ngày hội của hoa kiểng thì Tết Đoan ngọ chính là ngày hội của cây trái.
Năm nào cũng vậy, vào dịp mùng năm tháng năm âm lịch, bà con nơi đây lại tổ chức lễ hội trái cây, như một sự tri ân cho vùng đất và con người quanh năm cần mẫn. Vào hội, người làm vườn từ khắp nơi mang đến những sản vật quý hiếm nhất mà họ thu hoạch được trong một năm, trưng bày cho bà con thưởng lãm.
Những giống cây chuẩn, những trái cây ngon còn được tổ chức đấu xảo để phong tặng các danh hiệu tương xứng. Lễ hội trái cây đúng nghĩa là một ngày hội với người dân làm vườn nói riêng và cư dân Chợ Lách cũng như miền Tây Nam Bộ nói chung. Sau những năm tháng lao động âm thầm, miệt mài, bà con có dịp quảng bá thành quả mỹ mãn của mình.
Đồng thời, đó còn là nơi gặp gỡ đổi trao kinh nghiệm giữa các nhà vườn, chỉ với một mong ước giản đơn là mùa vụ nào cũng bội thu, hóa trái nào cũng thơm ngon.
Lần nọ, tôi đến viếng nhà bia lưu niệm cụ Trương Vĩnh Ký nằm bên dòng kênh Cái Mơn. Nhà bia không tường, mười sáu cột trụ uy nghiêm đội mái chóp hình tháp tứ giác, bên trong chỉ có bia bằng đá xanh cao khoảng 2,5m, đỉnh là chiếc thánh giá.
Trên mặt bia ghi “Đây là nơi sanh của P.Trương Vĩnh Ký Sĩ Tải tiên sanh” bằng ba thứ chữ Việt, Pháp, Hán. Tôi đứng lặng rất lâu trước tấm bia đá vô tri nghe vọng về bao thăm trầm của một thời xưa cũ. Không gian nơi đây yên ắng quá càng khiến đầu óc tôi cứ lẩn quẩn nghĩ về chuyện thực hư của cõi đời tạm bợ này. Bỗng chốc, đâu đó đánh rơi một tiếng chuông ngân dài kéo tôi về thực tại.
Tiếng chuông báo giờ lễ chiều của nhà thờ Cái Mơn. Nói về đạo Công giáo thì Chợ Lách được xem là cái nôi của xứ Đàng Trong, với những giáo xứ được xây lập cách đây hàng trăm năm.
Trong đó tiêu biểu là Giáo xứ Cái Nhum và Giáo xứ Cái Mơn. Ngoài ra còn có hàng chục giáo xứ khác nằm nép mình dưới những vòm cây trái xanh um, bên những dòng sông hiền hòa chảy.
Đang lang thang ở một cung đường vắng, tôi bỗng bắt gặp nhiều tà áo dài lất phất bay trong nắng sớm. Đến gần mới biết giáo đường vừa tan buổi cầu kinh, những màu áo tung vào các ngã đường như hàng trăm cánh bướm dạo khắp vườn hoa.
Tôi có anh bạn thân ở Bến Tre. Số anh lận đận vì đeo mang giấc mộng văn chương, dù biết “cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng mãi chẳng bao giờ dứt lòng ra được. Tôi thích ngồi đối ẩm với anh bên dòng sông trôi thật chậm, nhìn những bông bần lác đác rụng theo chiều.
Lâu lâu, một tiếng chuông ngân lên ở nơi giáo đường nào đó như muốn đẩy thế sự lại phía sau lưng, những danh lợi đua tranh cũng tựa như bóng mây. Ngà ngà say, anh bạn cất lên mấy câu “hoài lang” buồn như hồn Chợ Lách, rằng “Chàng hỡi chàng có hay, đêm thiếp nằm luống những sầu tây. Bao thuở đó đây sum vầy. Duyên sắc cầm đừng lạt phai í a...”.
Những lúc như thế, tôi thường thấy mẹ anh nằm trên chiếc võng ở góc nhà, gương mặt phẳng lặng, ánh mắt vời vợi nhìn về vô định. Bất chợt, tôi thấy bà đẹp như con sông chiều. Khi những hạt phù sa hiền hòa gửi hết vào cây vào đất cho miền này bát ngát xanh, sông vẫn chầm chậm hướng về phía biển, thản nhiên trôi như mây trời.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cho-lach-nghia-tinh-201115.html