Chợ mạng ngập hàng giả
Hàng giả, nhái bùng nổ trên mạng phần nào xuất phát từ tâm lý sính mua hàng rẻ hay hàng độc giá mềm của người tiêu dùng
Đã hơn nửa năm kể từ ngày Bộ Công Thương cùng 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam là Lazada, Sendo, Shopee, Tiki và Adayroi ký cam kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT" nhưng tình trạng này vẫn chưa cải thiện được nhiều.
Hàng hiệu giả vẫn ngập chợ mạng
Theo ghi nhận của phóng viên, có ít nhất 2 sàn TMĐT trong số 5 sàn nêu trên vẫn tồn tại các gian hàng bán hàng giả, hàng nhái. Khi tìm kiếm từ khóa "Louis Vuitton", một sàn TMĐT cho ra hàng loạt kết quả sản phẩm túi xách được khẳng định là chính hãng có giá từ 450.000-600.000 đồng. Trong khi đó, giá trị thật của những món hàng này thường không dưới 1.000 USD, tương đương 22-23 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều túi xách, phụ kiện, quần áo thương hiệu Adidas, Gucci, Coach... cũng được giao bán với giá 200.000-500.000 đồng, trong khi hàng chính hãng có giá cao hơn rất nhiều lần.
Bên cạnh đó, một dòng hàng hóa khác được thông báo là "no brand" (không nhãn hiệu) nhưng có họa tiết, kiểu dáng, chủng loại... y chang sản phẩm chính hãng cũng được đăng bán công khai tại một số sàn. Những sản phẩm này cũng có giá rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi món.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn xuất hiện ở nhóm hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, sản phẩm công nghệ,… Nhiều gian hàng nằm ngoài khu vực dành cho hàng chính hãng của các sàn TMĐT (như Lazmall, ShopeeMall, SenMall) có dấu hiệu mập mờ về thông tin nguồn gốc sản phẩm, thông tin nhà bán hàng...
Tại một hội thảo về TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An kể khi ông thử tìm từ khóa "Gucci fake 1" trên Google thì được trả lại nhiều địa chỉ bán hàng công khai với mức giá khác nhau. Ngay cả những nơi cam đoan bán hàng thật nhưng giá lại rất rẻ và không ai chắc chắn đó là hàng thật. "Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet. Số vụ phát hiện càng nhiều, diễn biến càng phức tạp" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận xét.
Thực tế, tình trạng mua bán hàng giả, nhái, hàng "fake" hiện đang diễn ra tràn lan và không dễ kiểm soát. Người mua hàng dù hiểu việc mua và sử dụng các loại hàng hóa trên là tiếp tay cho hàng giả, vi phạm pháp luật nhưng vẫn không từ chối mua vì nhu cầu bản thân hoặc quan niệm "tiền nào của đó".
Hàng dỏm hoành hành trên Facebook
Trong khi đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên mạng xã hội hoặc các webisite bán hàng trực tuyến không đăng ký với cơ quan quản lý gần nhưng không bị ai kiểm soát. Người bán mặc sức tung hoành, còn người tiêu dùng chỉ biết trông cậy vào may rủi hoặc uy tín của người bán khi mua hàng.
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Lưu Anh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết tháng trước anh mua một sạc dự phòng nhãn hiệu Samsung trên một trang Facebook chuyên bán linh kiện điện tử với giá 500.000 đồng. "Trang bán hàng quảng cáo cục sạc dự phòng có dung lượng 30.000 mAh nhưng khi tôi cắm sạc cho điện thoại thì chỉ trong chớp mắt, dung lượng pin giảm xuống 50% rồi nhanh chóng cạn sạch. Tôi nghi ngờ thông tin dung lượng 30.000 mAh là ảo và cục sạc này cũng không phải hàng chính hãng nhưng không liên hệ được số điện thoại bảo hành nên đành ngậm ngùi chịu mất tiền" - khách hàng này phản ánh.
Trước đó, Báo Người Lao Động cũng từng thông tin trường hợp anh L.D (quận 3, TP HCM) lên Facebook thấy tài khoản Nam Anh English quảng cáo bán chiếc tai nghe không dây nhái giống hệt chiếc AirPods 2 của Apple (giá chính hãng hơn 4 triệu đồng) nhưng giá chỉ 250.000 đồng bao gồm cả phí giao hàng, nên không ngần ngại đặt mua. Món hàng giao tới được gói khá kỹ lưỡng nhưng bên trong lại là một cặp tai có dây, giá thị trường khoảng 30.000 đồng, hoàn toàn không giống với hình ảnh và mô tả trên Facebook. Khi anh L.D liên lạc theo số điện thoại được ghi trên gói hàng thì nhận được câu trả lời "sẽ kiểm tra lại", sau đó biến mất tăm.
Khi sự việc được đăng tải, khá nhiều bạn đọc liên lạc đến Báo Người Lao Động để phản ánh mình cũng bị lừa mua tai nghe như vậy. Tuy nhiên, sau đó tài khoản nói trên đã bị xóa, số điện thoại cũng bị cắt, còn cơ quan chức năng không có cơ sở để vào cuộc vì giá trị món hàng quá nhỏ.
Trớ trêu hơn, chị Đ.T.T.Q (quận 1, TP HCM) cũng đặt mua trên trang Facebook có tên Mika Fashion 3 chiếc áo sơ-mi nhưng lại nhận được 2 chiếc áo lem màu, nhàu nhĩ và không đúng kiểu dáng đã đặt. "Cửa hàng cam kết hỗ trợ đổi, trả tại nhà miễn phí trong vòng 7 ngày với điều kiện chưa sử dụng và sản phẩm còn nguyên tem mác. Tuy nhiên, tôi gọi điện lại theo số điện thoại giao hàng nhiều lần thì không ai nghe máy, nhắn tin trên trang bán hàng cũng không thấy phản hồi" - chị Q. thất vọng.
Trong khi đó, ông Lưu Ngọc Khoa (quận Tân Phú, TP HCM) đặt mua trên mạng một đầu ghi hình hiệu LX với giá 999.000 đồng. Nhưng khi nhận hàng, ông Khoa phát hiện cửa hàng giao cho ông thiếu một linh kiện nên không thể sử dụng được. Khi gọi điện tới số điện thoại bảo hành là 0522408…, người nhận tên Nguyễn Văn Nam cho biết địa chỉ cung cấp sản phẩm đầu ghi hình là tại đường Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai và yêu cầu ông Khoa gửi trả đầu ghi hình bị lỗi để nhà bán hàng giao sản phẩm mới. "Tôi đã làm theo hướng dẫn nhưng sau đó họ nói món hàng tôi gửi lại không đủ linh kiện nên không đổi sản phẩm khác được. Thực tế là hàng họ giao tôi bị thiếu chứ không phải tôi cố tình không gửi. Cuối cùng, tôi đã mất khoản tiền 1 triệu đồng, chưa kể phí gửi lại hàng cho bên bán" - ông Khoa kể.
Nhìn chung, tình trạng mua bán hàng dỏm, giả, nhái đang tràn ngập trên các mạng xã hội nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc để kiểm soát hoặc xử lý. Tình trạng này cũng phần nào xuất phát từ tâm lý sính mua hàng rẻ hay hàng độc giá mềm của người tiêu dùng.
Sàn thương mại điện tử nói gì?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên sàn TMĐT, đại diện Shopee khẳng định với vai trò là đơn vị cung cấp không gian cho cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, đơn vị không dung túng, không hỗ trợ, không khuyến khích hay tiếp tay cho hành vi kinh doanh sản phẩm sai phạm. "Chúng tôi luôn có hành động cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có cơ sở đối với hành vi rao bán hàng giả, nhái trên Shopee như khóa sản phẩm vi phạm, khóa vĩnh viễn tài khoản hoặc báo cáo cơ quan chức năng, tùy mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể" - đại diện Shopee cho hay.
Với Lazada, sàn này cho biết bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả, kém chất lượng, sàn sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng.
Sendo cũng nói luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng, truyền thông để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch cho sàn TMĐT Sendo nói riêng, ngành TMĐT nói chung.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cho-mang-ngap-hang-gia-20191215204330276.htm