Chợ Mới sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Chợ Mới được vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và vươn lên phát triển kinh tế...

Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình anh Hoàng Đức Trường ở thôn Khuổi Thây, xã Yên Cư có vốn đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Ông Hoàng Văn Quý- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chợ Mới cho biết: Khi mới thành lập, NHCSXH huyện nhận bàn giao 02 chương trình là Cho vay Giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước và Cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng NN&PTNT, với tổng dư nợ hơn 10,8 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, những năm qua đơn vị đã nỗ lực huy động nguồn vốn, từ chỗ chỉ có 02 chương trình tín dụng chính sách nhận bàn giao ban đầu năm 2003, đến nay NHCSXH huyện đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến 30/6/2022 là hơn 361 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 7,2% mỗi năm.

Trong đó, đối với chương trình cho vay hộ nghèo, dư nợ đến 30/6/2022 là hơn 81,2 tỷ đồng, tăng 73,9 tỷ đồng so với năm 2003, với 16.309 lượt hộ nghèo được vay vốn. Mức dư nợ bình quân một hộ nghèo được nâng từ 1,5 triệu đồng (năm 2003) lên 58,82 triệu đồng (tháng 6/2022). Vốn cho vay ưu đãi cho hộ nghèo đã đến với 100% số xã, thị trấn trong toàn huyện, đầu tư vào phát triển các làng nghề, các dự án trồng mới và cải tạo vườn chè, trồng rừng, chăn nuôi gia súc… góp phần giúp 5.660 hộ thoát nghèo, hạn chế đáng kể nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách khác còn giúp cho 13.736 lượt hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chăn nuôi sản xuất, phát triển vườn đồi, kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản, phát triển các dịch vụ kinh doanh, đặc biệt là trồng rừng..., góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập nâng cao đời sống cho hộ gia đình ở vùng khó khăn, giúp cho các hộ ổn định đời sống và vươn lên làm giàu. Giúp cho 872 lượt hộ gia đình được vay vốn để sử dụng vào chi phí học tập, tạo điều kiện cho 872 HSSV được theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học; 156 HSSV được vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến trong đợt dịch Covid- 19, qua đó góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số của UBND huyện và theo định hướng của Chính phủ.

Cùng với đó, nguồn vốn ưu đãi đã tạo việc làm ổn định cho 2.139 lao động địa phương; giúp 8.156 hộ xây dựng, cải tạo và sửa chữa 8.064 công trình nước sạch, 8.064 công trình vệ sinh; 339 hộ nghèo sửa chữa, làm được nhà mới; 124 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 16 hộ là cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan, đơn vị, người có thu nhập thấp tại thị trấn được vay vốn để làm mới, cải tạo nhà ở, cuộc sống được ổn định an cư lạc nghiệp, an tâm công tác; 03 doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã có kinh phí để trả lương cho 26 lao động phải ngừng việc do Covid-19; 02 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện đã có kinh phí để tu sửa, đầu tư các thiết bị phòng chống dịch, máy móc, thiết bị dạy học. Người lao động tại cơ sở có việc làm ổn định, tâm huyết với nghề và an tâm làm việc...

Có thể khẳng định Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Nhiều hộ xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, có nhà ở ổn định, vững chắc góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt vốn vay ưu đãi đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn phát triển sản xuất, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, diện mạo nông thôn được cải thiện, nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

L.D

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202207/cho-moi-sau-20-nam-trien-khai-chinh-sach-tin-dung-uu-dai-79554a4/