Chợ Mới tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện Chợ Mới đang tập trung ra đồng chăm sóc lúa và cây trồng với quyết tâm hướng tới một vụ xuân thắng lợi.

Nông dân xã Cao Kỳ bắt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công

Trên các cánh đồng dọc tuyến Quốc lộ 3, người dân huyện Chợ Mới đang tập trung vun xới ngô, tỉa dặm lúa và tích cực phòng, trừ sâu bệnh hại. Đang nhặt ốc bươu vàng, tra dặm lúa tại cánh đồng thôn Nà Mẩy, xã Thanh Thịnh, bà Lưu Thị Lại cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy hơn 2.000m2 giống lúa Khang dân 28. Hiện cây lúa đang hồi xanh, bén rễ nhưng xuất hiện khá nhiều ốc bươu vàng phá hoại, gia đình đang tập trung bắt ốc bằng phương pháp thủ công và phun thuốc diệt trừ, đảm bảo cây lúa phát triển, đạt năng suất".

Bà Vũ Thị Bích Yên- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới nhận định: Vụ xuân năm nay thời tiết khá thuận lợi, việc gieo trồng các loại cây vụ xuân được người dân thực hiện đúng tiến độ trong khung thời vụ. Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được 1.000ha lúa, 1.110ha ngô và khoảng 562ha các loại cây màu khác theo kế hoạch. Hiện bà con đang tập trung chăm sóc, bón phân, vun xới các loại cây trồng. Tuy nhiên, tại một số cánh đồng trên địa bàn huyện rải rác xuất hiện ốc bươu vàng, sâu bệnh hại. Đối với cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh, mật độ ốc bươu vàng phổ biến 0,8 con/m2, cao 3,5 con/m2, cá biệt 07 con/m2. Diện tích nhiễm 3ha trong đó nhiễm nhẹ 2ha, nhiễm trung bình 0,5ha, nhiễm nặng 0,5ha. Rầy nâu, mật độ hại phổ biến 40 con/m2, cao 100 con/m2. Ruồi đục nõn tỷ lệ hại phổ biến 1%, cao 3%.

Cây ngô đang trong giai đoạn phát triển 3 - 5 lá, xuất hiện sâu xám, tỷ lệ hại phổ biến 0,5%, cao 2,5%; sâu keo mùa thu phổ biến 0,5 con/m2, cao 1,7 con/m2, gây hại trên những diện tích ngô 4-5 lá; cây thuốc lá, giai đoạn phát triển thân lá, xuất hiện rệp, tỷ lệ hại phổ biến 0,5%, cao 2%; bệnh đốm mắt cua, tỷ lệ phổ biến 1%, cao 3%.

Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng theo kế hoạch, phòng chuyên môn huyện hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như: Chủ động phòng trừ ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công. Làm lưới chắn khi cho nước vào ruộng, vét rãnh trong ruộng để ốc tập trung vào trong rãnh và nhặt ốc đem tiêu hủy; những diện tích có mật độ ốc cao tiến hành phun trừ hoặc rắc thuốc trước hoặc sau cấy bằng các loại thuốc như: TATOO 150AB, VT-DAX 700 WP, CLODAN super 700WP... Đối với rầy nâu, ruồi đục nõn, người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phòng trừ khi tỷ lệ hại cao bằng các loại thuốc như: Gà nòi 95 SP, Patox 95 SP, Ratoin 5WG...

Nông dân thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh trên cây cà pháo.

Đối với cây ngô, để trừ sâu xám tại những diện tích mật độ gây hại cao, khuyến cáo bà con sử dụng loại thuốc dạng hạt như: Patox 4 GR, Gà nòi 4 GR... Sâu keo mùa thu, phun trừ khi sâu mới nở bằng các loại thuốc như: Gà nòi 95 SP, Patox 95 SP, Enasin 32WP, Ratoin 5WG... Để trừ rệp trên cây thuốc lá, bà con cần phun các loại thuốc như: Siêu rầy 250 WP, Binova 45 WP, Onechek 700 WP... Bệnh đốm mắt cua tỷ lệ hại cao phun phòng trừ bằng các loại thuốc như: Ridomil Gold 68WG, Kasuran 50 WP, Cabrio Top 600WG.

Cùng với việc phòng trừ sâu bệnh hại, phòng chuyên môn huyện tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, bón phân để cây trồng phát triển tốt. Đối với cây lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh rộ, kết thúc đẻ nhánh: Diện tích sau cấy được 7 - 10 ngày bón thúc đẻ nhánh kết hợp sục bùn, điều tiết nước hợp lý để lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung. Lượng phân bón tính cho 1.000m2 lúa thuần gồm: 12 - 14kg phân đạm urê cộng 5 - 6kg kali; lúa lai, bón 16 - 20kg phân đạm urê cộng 6 - 7kg kali. Đối với ngô ruộng, những diện tích cây từ 3 - 5 lá tiến hành bón thúc lần 1 kết hợp làm cỏ, xới phá váng, bón lượng phân 8 - 10kg đạm cộng 4 - 6kg kali/1.000m2. Cây thuốc lá những diện tích sau trồng 35 - 40 ngày, tiến hành bón thúc lần 2 kết hợp làm cỏ vun gốc, lượng phân 30kg NPK/1.000m2. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo Nhân dân khai thác triệt để các công trình thủy lợi, nguồn nước tự có để cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn, đảm bảo để cây trồng vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt./.

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/cho-moi-tap-trung-cham-soc-cay-trong-vu-xuan-d6e4daa/