Chợ Mới tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ mùa

Vụ mùa năm nay, huyện Chợ Mới gieo cấy được trên 1.600ha lúa, hơn 600ha ngô và một số diện tích cây màu khác.Hiện bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Nông dân thôn Hua Phai, xã Cao Kỳ bón thúc cho lúa mùa.

Nông dân thôn Hua Phai, xã Cao Kỳ bón thúc cho lúa mùa.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng xen kẽ có mưa là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Bà Vũ Thị Bích Yên- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chợ Mới cho biết: Trên cây lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái đã xuất hiện rầy nâu mật độ hại phổ biến 300 con/m2, cao 800 con/m2, cá biệt 1.300 con/m2 với diện tích nhiễm nhẹ khoảng 5,5ha tại các xã Nông Hạ, Hòa Mục, Bình Văn, Yên Hân, thị trấn Đồng Tâm, Quảng Chu...

Sâu cuốn lá nhỏ mật độ hại phổ biến 2 con/m2, cao 10 con/m2, cá biệt 25 con/m2, diện tích nhiễm nhẹ 4,5ha tại các xã Hòa Mục, Cao Kỳ, thị trấn Đồng Tâm, Thanh Thịnh, Nông Hạ...; bệnh đốm sọc vi khuẩn tỷ lệ bệnh phổ biến 1,5% lá, cao 7% lá. Trên cây ngô giai đoạn 1-4 lá, sâu keo mùa thu mật độ hại phổ biến 0,8 con/m2, cao 5 con/m2, diện tích nhiễm nhẹ 2,5ha tại các xã Nông Hạ, thị trấn Đồng Tâm, Như Cố, Quảng Chu... Trên cây gừng giai đoạn phát triển củ, bệnh cháy lá tỷ lệ phổ biến 1,2%, cao 8%, cá biệt 20%, diện tích nhiễm nhẹ 3ha, nhiễm trung bình 1,2ha tại xã Yên Hân, Yên Cư, Tân Sơn; bệnh thối củ tỷ lệ phổ biến 0,8%, cao 4%, cá biệt 10%, diện tích nhiễm nhẹ 2ha tại các xã Tân Sơn, Yên Cư, Yên Hân.

Để chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây hại trên cây trồng vụ mùa, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng trừ. Trên cây lúa mùa, đối với bọ rầy, bà con kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên tiến hành phun trừ bọ rầy; cần phun luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc như: LK set-up 75WP, Bassa 50EC, Actara 25WG, Onecheck 700WP, Oshin 20WP... Đối với những ruộng có mật độ cao cần phun kép 2 lần, cách nhau từ 5 đến 7 ngày. Hạ thấp vòi phun để trừ rầy tập trung dưới bẹ và gốc lúa. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau khi phun và tiếp tục theo dõi, tránh rầy bùng phát trở lại. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, bà con chủ động phun trừ khi mật độ gây hại cao bằng các loại thuốc như Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Voliam Targo 063SC... Những diện tích mật độ gây hại cao cần phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày.

Bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại trên lá lúa, chóp lá, mép lá hoặc trên phiến lá, sau chuyển sang màu vàng đỏ, bệnh nặng làm cho lá bị vàng và khô, nhìn toàn ruộng có màu vàng đỏ. Bệnh phát triển mạnh trước hoặc sau những đợt mưa dông. Khi phát hiện, bà con bón phân cân đối, hợp lý để phòng ngừa và hạn chế bệnh. Bón vôi với lượng 35 - 40kg/1.000m2 để hạn chế bệnh phát sinh và lây lan. Phun trừ bằng thuốc Linacin 40SL, Starner 20WP, Kasumin 2L, Kamsu 2L, Ychatot 900 SP... những diện tích bị hại nặng cần phun 2 lần cách nhau 5 -7 ngày bằng những loại thuốc trên.

Nông dân tích cực kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại cây trồng để kịp thời diệt trừ.

Nông dân tích cực kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại cây trồng để kịp thời diệt trừ.

Trên cây ngô mùa xuất hiện sâu keo mùa thu, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân tiến hành phun trừ khi mật độ gây hại cao bằng các loại thuốc như Lutex 5.5WG, Ratoin 5W, Enasin 32WP, Ratoin 5WG... Những diện tích mật độ sâu gây hại cao cần phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày. Trên cây gừng, để phòng trừ bệnh cháy lá, thối củ bà con cần sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma bón gốc để hạn chế bệnh, ngắt bỏ sớm những lá bị bệnh. Phun trừ bằng thuốc Antracol 70WP, Aliette 800WG, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WG, Ridomil MZ 72WP... Những diện tích bị bệnh nặng cần phun kép 2 - 3 lần, cách nhau 5 - 7 ngày. Cần thường xuyên kiểm tra vườn, đồi gừng để phát hiện sớm diện tích gừng bị bệnh. Làm sạch cỏ, nhổ và thu gom những cây bị bệnh đem ra khỏi vườn, đồi gừng để tiêu hủy, đồng thời rắc vôi bột vào đất tại chỗ đã nhổ cây, sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma bón gốc. Sử dụng một trong các loại thuốc Starner 20WP, Aliette 800WG, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WG, Ridomil MZ 72WP... Những diện tích bị bệnh nặng cần phun kép 2 - 3 lần, cách nhau 5 - 7 ngày.

Để đảm bảo sản xuất vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao, ngoài công tác chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn, đôn đốc của cán bộ chuyên môn, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng kịp thời để phát hiện sâu bệnh hại và có hướng chăm sóc, phòng trừ kịp thời, hiệu quả./.

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/cho-moi-tap-trung-cham-soc-phong-tru-sau-benh-hai-cay-trong-vu-mua-cbe5c0b/