Chỗ nào cũng sợ mua sắm thiết bị chống dịch vì 'sợ sai'
Theo Chủ tịch Quốc hội, dịch bùng phát nhưng năng lực xét nghiệm thấp, trong khi chỗ nào cũng sợ mua sắm thiết bị chống dịch vì sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng.
Chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thiệt hại do lãng phí không kém gì tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Vì vậy, phải rất coi trọng vấn đề này.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, ông Huệ nhận định báo cáo còn mang tính hình thức. Với những tồn tại, thậm chí yếu kém, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể mà chỉ nhắc chung chung, hoặc nếu có thì thiếu tính phản biện, còn nể nang, né tránh, sợ đụng chạm.
Ông nhắc lại tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là “cái gì tốt phải khen, vi phạm, yếu kém thì phải phê bình, kỷ luật”.
Góp ý để hoàn thành báo cáo này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tập trung các lĩnh vực chính và không dàn trải, ví dụ như tài chính ngân sách, tín dụng Nhà nước, tài chính công, tài sản công, đất đai, khoáng sản…
Đặc biệt trong vấn đề mua sắm công, ông Huệ chỉ ra vấn đề năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta đã rất lúng túng trong mua sắm công. Thậm chí đã có sai phạm, phải khởi tố vụ việc ở CDC Hà Nội và một số nơi.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội cho biết “năm nay cũng vậy”. Theo ông, các nơi đều sợ việc mua sắm, ngay cả mua vật tư, thiết bị phòng, chống dịch cũng rất sợ.
Cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể và minh bạch về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “Đừng để chúng ta vừa mất tiền, vừa mất người”.
Dẫn chứng câu chuyện mua vaccine ngừa Covid-19, ông Huệ cho biết khi mua phải đặt cọc 30-50% số tiền, nếu không đủ cung cấp hàng thì coi như mất tiền. Rủi ro người mua chịu chứ người bán không chịu, giá cũng không được đàm phán… Vì vậy, Chính phủ phải có nghị quyết mua vaccine.
“Tình hình dịch thế này nhưng năng lực xét nghiệm thấp trong khi chỗ nào cũng sợ mua sắm vì sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng. Sai phạm cá nhân, tập thể rõ rồi nhưng vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước phải xem lại”, ông Huệ phân tích và đề nghị tháo gỡ điểm nghẽn.
Hà Nội tiết kiệm ngân sách nhiều nhất trong các địa phương
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, 117 cơ quan đơn vị (34 bộ ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước) đã tiết kiệm được 84.635 tỷ đồng.
Trong số này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng. Hà Nội đứng ở vị trí thứ hai với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ ba với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng.
Xét ở khối 63 tỉnh, thành, Hà Nội là địa phương tiết kiệm ngân sách nhiều nhất. Tiếp đến là Lâm Đồng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu... Các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp ở cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỷ đồng.