Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, những người bán sức lao động tại các khu chợ cũng chịu cảnh ế ẩm, ít việc làm.
Những người bán sức lao động tại các khu "chợ người" thường là những người đã quá độ tuổi lao động, không nơi nào tuyển dụng. Thế nhưng do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp đã giảm sút, giảm giờ làm vì không có việc làm, không có nguồn thu. Nhiều công nhân trẻ phải ra các khu chợ lao động để kiếm thêm thu nhập.
Anh Hoàng Văn Sáu - người lao động đến từ Hòa Bình cho biết: "Anh làm công nhân cho một khu công nghiệp tại Hà Nội, vào thời điểm này công ty ít việc, anh phải ra khu vực cầu Mai Động để kiếm thêm việc làm, ai thuê gì thì làm nấy, nhưng mức thu nhập cũng không khá hơn là mấy, có khi ngồi đây vài ngày cũng không có ai đến thuê".
Ven bờ sông Kim Ngưu, đoạn đầu cầu Mai Động tập trung khá đông người lao động đến từ khắp các tỉnh thành cả nước. Họ chờ việc trọn buổi sáng nhưng vẫn không có người thuê.
Họ thường tập trung theo từng nhóm ngồi chờ việc, trong lúc rảnh rỗi thường ngồi trò chuyện tán gẫu, đấm bóp vai cho nhau hoặc chơi cờ để "giết thời gian".
Họ có thể làm bất cứ công việc gì liên quan đến tay chân vào mọi thời điểm trong ngày, chủ yếu là những công việc nặng nhọc cần sức người.
Tại khu vực chợ Long Biên, không chỉ có đàn ông mà còn nhiều phụ nữ cũng đến chợ tìm việc.
Tại đường Bưởi, không khó để bắt gặp cảnh tượng những người lao động đang đứng, ngồi nơi vỉa hè để đợi việc.
Dù công việc khó nhọc mệt mỏi nhưng đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với những người lao động này, giúp họ nuôi sống gia đình, xa hơn là giúp con cái họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đỗ Lan - Anh Hoa