''Chợ Nhân đạo'' - mô hình trợ giúp người nghèo hiệu quả trong tình huống có dịch bệnh

Mô hình 'Chợ Nhân đạo' của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Lâm Đồng được chọn là một trong 3 tham luận báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước của Hội CTĐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19/11 vừa qua.

Ông Đỗ Hoàng Tuấn (bên trái) đại diện Hội CTĐ Lâm Đồng nhận Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Trung ương Hội

Ông Đỗ Hoàng Tuấn (bên trái) đại diện Hội CTĐ Lâm Đồng nhận Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Trung ương Hội

Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Tháng 5/2020, khi các cấp Hội triển khai “Tháng Nhân đạo” thì cũng là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó, nhiệm vụ của Hội CTĐ càng phải tích cực hơn để vận động nguồn lực giúp đỡ thường xuyên cho người nghèo. Mô hình “Chợ Nhân đạo” ra đời do Trung ương Hội chỉ đạo, hướng dẫn, Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực.

Dịch bệnh COVID-19 và hạn hán đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn, đặc biệt là đối với hộ gia đình nghèo, người bán vé số, công nhân lao động, người làm thuê, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và làm vườn mất việc làm dẫn đến nguồn thu nhập không có nên cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của một bộ phận dân cư này, Hội CTĐ Lâm Đồng đã mạnh dạn thực hiện mô hình “Chợ Nhân đạo”. Chỉ chưa đầy một tuần triển khai, từ việc xây dựng kế hoạch, đưa ra cách thức thực hiện, chọn địa điểm, rà soát, phân loại chọn đối tượng trợ giúp, làm phiếu, phát thư mời… đặc biệt là công tác vận động nguồn lực, mô hình “Chợ Nhân đạo” đã được tổ chức thí điểm vào ngày 5/5 kết hợp phát động “Tháng Nhân đạo” 2020 tại văn phòng Hội CTĐ tỉnh.

Tại “Chợ Nhân đạo”, công tác truyền thông về phòng chống dịch, kết hợp kêu gọi các nhà tài trợ được phát thường xuyên trên hệ thống loa; các gian hàng được trang trí đẹp với những thông điệp nhân ái như: “Phiên chợ tình người, nụ cười hạnh phúc”, “Chung tay một phần giúp dân đi chợ”... Từ mô hình điểm, tỉnh Hội đã nhân rộng cho tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện mô hình này.

Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn, mô hình “Chợ Nhân đạo” đã giúp cho cán bộ Hội biết cách xử lý và tổ chức một hoạt động nhân đạo với quy mô lớn trong tình huống có dịch bệnh. Kỹ năng vận động nguồn lực của cán bộ Hội tốt hơn; thu hút được nhiều nhà tài trợ tham gia; số lượng, hàng hóa dồi dào, phong phú từ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả tươi và những mặt hàng đặc sản của địa phương; nhà tổ chức chủ động kiểm tra được chất lượng hàng hóa. Đối với người dân hưởng lợi đã đến chợ với tinh thần phấn khởi, được lựa chọn những mặt hàng cần cho nhu cầu thiết yếu của gia đình mình, biết cách cân đối, chi tiêu thông qua những phiếu mua hàng.

Việc tổ chức “Chợ Nhân đạo” cũng là dịp để giúp người dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 không xuất khẩu và tiêu thụ ra ngoài tỉnh được. Mô hình “Chợ Nhân đạo” của Lâm Đồng đến nay đã được thực hiện tại 12/12 huyện, thành phố; trong đó có huyện đã quay lại vòng thứ 2 tổ chức tại xã cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn và đưa thêm các hoạt động nhân đạo khác vào Chợ như: Trao học bổng, trao xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó, trao thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn hoặc tri ân các nhà tài trợ ngay trong khi khai mạc phiên chợ. Kết quả có 4.250 hộ nghèo, hộ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được tham gia Chợ Nhân đạo với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, còn lại là nguồn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Từ thành công này, Hội CTĐ Lâm Đồng đã phát động mỗi huyện, thành phố sẽ tổ chức một phiên “Chợ Nhân đạo” để khởi động cho phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Xuân 2021” được triển khai trên toàn tỉnh với chỉ tiêu: Hỗ trợ cho ít nhất 45.000 lượt người, trị giá 450 - 500 nghìn đồng/suất; cấp 300 phiếu đổi hàng miễn phí từ mô hình “Chợ Nhân đạo” đợt 2 trị giá 400 nghìn đồng/suất nhằm giúp người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hộ nghèo, cận nghèo…

Mô hình “Chợ Nhân đạo” đã phát huy mạnh mẽ vai trò của lực lượng tình nguyện viên CTĐ. Từ mô hình này, nhiều nhóm thiện nguyện đã áp dụng để thực hiện tại cộng đồng. Sự quan tâm, chia sẻ này đã góp phần bồi đắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Để duy trì và phát triển mô hình “Chợ Nhân đạo” ngày một hiệu quả và là điểm sáng của Hội trong xây dựng mô hình nhân đạo, tham luận của Hội CTĐ Lâm Đồng đã đề xuất Trung ương Hội nên tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai tập huấn cách thức tổ chức, vận động nguồn lực cho “Chợ Nhân đạo” nói riêng và nguồn lực cho hoạt động nhân đạo nói chung. Điều cần thiết là phải vận động tốt nguồn lực, có thể áp dụng linh hoạt mô hình chợ lưu động tại các địa phương có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; xác định đối tượng hưởng lợi phù hợp. Lồng ghép các hoạt động nhân đạo khác như: Hiến máu tình nguyện, khám bệnh nhân đạo cấp thuốc miễn phí, kết hợp tôn vinh các nhà tài trợ. Nghiên cứu đưa mô hình “Chợ Nhân đạo” vào chợ truyền thống để tạo nét văn hóa vùng miền.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202011/chao-mung-74-nam-ngay-thanh-lap-hoi-chu-thap-do-viet-nam-2311-phat-dong-tet-vi-nguoi-ngheo-va-nan-nhan-chat-doc-da-cam-xuan-tan-suu-2021-cho-nhan-dao-mo-hinh-tro-giup-nguoi-ngheo-hieu-qua-trong-tinh-h-3031801/