Chợ nổi miền Tây - Bài 2: Nhiều vấn đề phát sinh từ chợ nổi Cái Răng
Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, ThS Nguyễn Khánh Tùng cho rằng chợ nổi Cái Răng đang dần mất đi sức hấp dẫn của nó. Một trong những nguyên nhân là bờ kè xi măng quy mô làm cho chợ trở nên 'khô cứng', những người sống trên ghe thương hồ đang dần lui khỏi chợ nổi này.
Thật vậy, đầu tháng 6 tôi đi một vòng chợ nổi Cái Răng, khung cảnh chung thấy buồn. Vệ sinh môi trường trên sông vẫn chưa tốt. Lục bình cùng với túi ni lông, hộp nhựa, hộp thiếc trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Kè bê tông hoành tráng hai bên chợ nổi Cái Răng đã cơ bản xong. Nước trên sông Cái Răng đã cạn thấp, từ mặt nước lên đến đỉnh kè cao khoảng 4 - 5 mét. Với kè bê tông như thế này thì chợ nổi tồn tại rất khó khăn nếu chính quyền và các ngành chức năng Cần Thơ không có biện pháp bảo tồn.
Ông Nguyễn Thanh Chính, một người ở ven bờ kè phía chợ nổi Cái Răng cho biết: “Chợ nổi trước kia quần tụ tự nhiên, ghe thương hồ và người buôn bán tấp nập. Mặt sông và nhà người dân rất thân thiện do chợ nổi rất gần với nhà dân, nhà kho chứa nông sản của chủ vựa. Nay bờ kè sông làm quá cao, nhà dân bị giải phóng mặt bằng làm đường ven kè hết rồi. Cầu tàu rất ít, coi như mạch sống của chợ nổi bị đứt”.
Chúng tôi hỏi chuyện một người dân ở ngay bên bờ chợ nổi, anh nói thực trạng một cách thẳng thắn: "Cò tàu du lịch hoạt động rất mạnh. Do lợi lộc chi hoa hồng lớn nên có sự tranh giành. Một chuyến đò 400.000 đồng, cò ăn hết 200.000 đồng, cứ ăn hoa hồng 50% trên giá như vậy nên khách và người chạy tàu du lịch bị thiệt. Chưa hết, đồ ăn trên sông ở chợ nổi này không phải đặc sản. Họ chủ yếu là buôn bán cà phê, hủ tíu, bún riêu, bánh dân gian... nhưng giá cũng khá cao gấp 2 lần so với quán trên bờ. Một tô bún riêu thường là 30.000 đồng. Khách kêu 1 tô cộng với tiền shiper lên đến 50.000 đồng, nếu kêu 5 tô lên đến 250.000 đồng. Giá như vậy là quá cao so với mức giá trung bình tại Cần Thơ".
Anh Nguyễn Công Danh, một chủ ghe thương hồ neo tại Cái Răng bán bí rợ cho biết: “Bây giờ buôn bán với chợ nổi khó khăn lắm. Bạn hàng ngày một ít, chủ vựa mua hàng đi các tỉnh cũng giảm. Nguyên nhân do vựa ven sông Cái Răng bị giải tán làm kè, làm đường. Trước đây mỗi tháng tôi chở từ 5 - 10 chuyến hàng, trừ chi phí còn lời 10 - 12 triệu. Bây giờ mỗi tháng chở khoảng 4 - 5 chuyến, trừ chi phí còn lời 5 triệu là mừng rồi”.
Ông Nhâm Hùng, một người có nhiều bài viết về lịch sử chợ nổi miền Tây Nam Bộ cho rằng: “Chúng ta đã mất chợ nổi Phụng Hiệp rồi, các chợ nổi khác ở miền Tây đang suy giảm. Nếu không khéo bảo tồn thì khó giữ được chợ nổi Cái Răng”.
Khi Một Thế Giới thực hiện bài viết về chợ nổi Cái Răng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Cần Thơ đã cung cấp một số thông tin mới như sau: Qua khảo sát thực tế tại chợ nổi Cái Răng hiện tại, số lượng ghe của thương hồ hoạt động trên chợ nổi dao động từ 250 - 300 chiếc ghe. Số lượng tàu du lịch, khách du lịch đến tham quan không ngừng tăng, số lượng khách tham quan, du lịch tại chợ nổi cũng tăng từ 12 - 15% mỗi năm. Thời gian các ngày cuối tuần và những ngày lễ, tàu tham quan chợ nổi khoảng 150 chiếc, số lượng không đủ phục vụ du khách.
Sở cũng cho biết hàng hóa được bán tại chợ nổi một số mặt hàng giá cả hơi cao so cửa hàng trên bờ, tuy nhiên đa số đều có niêm yết giá theo quy định. Đối với các ghe nhỏ và bè trên sông buôn bán ăn uống phục vụ khách du lịch, giá bán phổ biến chung khoảng 40.000 - 50.000 đồng/tô (bún, hủ tiếu, mì…). Theo thông tin phản ánh, chủ của các dịch vụ ăn uống có chi hoa hồng cho các tài công các tàu đưa khách tham quan.
Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với chính quyền quận Cái Răng và các đơn vị liên quan kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, đồng thời nhắc nhở, thông báo cụ thể và niêm yết giá đúng quy định.
Việc kiểm tra cho thấy tình trạng rác thải đôi lúc tồn đọng trên mặt sông làm ảnh hưởng đến môi trường. Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại chợ nổi, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Cái Răng đã tổ chức thu gom rác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiểu thương và du khách nâng cao ý thức văn hóa văn minh trong du lịch.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi đang vận động, khuyến khích người dân xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng, gắn với đời sống thương hồ, tạo sinh kế cho người dân. Đặc biệt là sự quan tâm cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và quản lý giá cả; nâng cao thái độ ứng xử văn minh, mến khách cho người dân và du khách. Sở phối hợp với quận Cái Răng vận động thực hiện một số công tác an sinh cho người dân thương hồ tại chợ nổi, chẳng hạn cho vay vốn, wifi miễn phí, điểm nước sạch…".
Ông Tuấn cũng cho biết Viện Kinh tế xã hội TP.Cần Thơ đang xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045".