Chợ nông thôn: Những yêu cầu từ thực tiễn

PTĐT - Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân vùng nông thôn.

Phần lớn các sản phẩm bày bán tại chợ nông thôn đều là mặt hàng nông sản và sản phẩm thủ công mang tính đặc trưng từng vùng.

Phần lớn các sản phẩm bày bán tại chợ nông thôn đều là mặt hàng nông sản và sản phẩm thủ công mang tính đặc trưng từng vùng.

PTĐT - Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, đối với địa phương kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Phú Thọ, xung quanh việc phát triển hệ thống chợ nông thôn theo định hướng xã hội hóa cũng như công tác quản lý, khai thác sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều bất cập, trở ngại cần nhanh chóng tháo gỡ...

Nhu cầu thiết yếu
Năm 2010, Gia Điền là xã đầu tiên của huyện Hạ Hòa và của tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì là xã điểm nên mọi nguồn lực đầu tư đều ưu tiên dành cho công tác xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, trong đó có hạ tầng thương mại nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân thông thương, trao đổi hàng hóa, kích thích kinh tế - xã hội phát triển. Từ khu ruộng lầy thụt đã được quy hoạch, san lấp để xây dựng chợ Bạch Giang bằng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới với diện tích 2.200m2 gồm các hạng mục: Nhà chợ chính, 14 gian hàng, khu thu gom rác thải, tường bao với tổng mức đầu tư 530 triệu đồng. Trước khi có chợ Bạch Giang, người dân trong xã phải đi khoảng chục km để đến được chợ thị trấn hay chợ Đại Phạm. Năm 2011, sau khi chợ được xây dựng xong, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, thông báo rộng rãi về việc mở chợ và thành lập ban quản lý. Hoạt động họp chợ dần ổn định vào các ngày 3 và 8 trong tháng, mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm người tham gia trao đổi, mua bán hàng hóa. Đến nay, toàn huyện Hạ Hòa có 14/19 xã, thị trấn có chợ, trong đó riêng xã Xuân Áng và Đại Phạm có 2 chợ. Hoạt động của các chợ xã thường theo phiên đã tạo thuận lợi cho người dân buôn bán, sinh hoạt, góp phần đẩy mạnh hệ thống phân phối, tiêu thụ hàng hóa về nông thôn.Với gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Sơn không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân. Đến nay đã có 19/23 xã, thị trấn trong huyện được đầu tư xây dựng chợ để phục vụ nhu cầu giao lưu kinh tế của nhân dân trong và ngoài huyện. Tổng số chợ hiện có là 20 chợ, trong đó 2 chợ hạng II và 18 chợ hạng III. Nhiều chợ được đầu tư xây dựng kiên cố, có cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tương đối tốt, các quầy hàng, gian hàng được bố trí gọn gàng, quy củ, hệ thống điện chiếu sáng, trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước và khu vệ sinh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 215 chợ/227 xã, phường, trong đó có 3 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 199 chợ hạng III. Mạng lưới phân phối hàng hóa tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, cơ sở vật chất từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới, các hình thức thương mại văn minh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân phối, lưu thông. Giá trị hàng hóa qua chợ trung bình chiếm khoảng 35-40%. Việc hình thành chợ tương đối đồng đều ở các vùng, tạo điều kiện từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống, kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hiện thực hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Được xây dựng từ những năm 2000, chợ trung tâm cụm xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn nay đã “quá tải” so với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân quanh vùng.

Được xây dựng từ những năm 2000, chợ trung tâm cụm xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn nay đã “quá tải” so với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân quanh vùng.

Còn nhiều bất cập…Trước khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Đoan Hùng có 27 xã và 1 thị trấn. Theo Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, huyện có 29 chợ, trong đó 1 chợ hạng II, 27 chợ hạng III và 1 chợ đầu mối rau quả. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện mới chỉ có 11 chợ xã đang hoạt động. Việc huy động các nguồn vốn xây dựng chợ gặp khó khăn do đa số các chợ trên địa bàn huyện là chợ tạm, họp theo phiên, mật độ buôn bán chưa cao nên khó kêu gọi đầu tư. Đến nay, chưa có chợ đầu mối nào được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Đồng chí Vũ Trọng Khải - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết: “Quy hoạch chợ ở một số địa phương như: Sóc Đăng, Bằng Luân, Vân Du còn chưa sát với thực tế và nhu cầu họp chợ của người dân nên phải điều chỉnh giai đoạn 2017-2020 không quy hoạch xây dựng chợ. Xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ trong điều kiện ngân sách hạn hẹp là chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân nhưng thiếu chính sách thỏa đáng thu hút các nhà đầu tư”. Nhìn chung, các chợ ở vùng nông thôn hiện nay cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết vai trò, tác dụng, mới chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu phục vụ nhân dân. Cự Đồng, Khả Cửu, Hương Cần và Văn Miếu là 4 chợ trung tâm cụm xã của huyện Thanh Sơn được xây dựng cách đây khoảng 20 năm nay đã xuống cấp, diện tích cũng không còn phù hợp với thực tế. Có mặt tại chợ Hương Cần không vào dịp phiên chợ chính nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận sự nhộn nhịp buôn bán, trao đổi hàng hóa của bà con vùng cao nơi đây. Đa dạng các mặt hàng nông sản theo mùa vụ, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, hàng may mặc, giày dép… được bày bán. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kiều Duy Hiển: “Vì chợ xây dựng cách đây hàng chục năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích hẹp so với nhu cầu họp chợ của bà con. Vào phiên chợ chính các ngày 2, ngày 7 họp tràn ra đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự”. Muốn mở rộng chợ để đạt tiêu chuẩn phải tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng rất tốn kém trong khi nguồn kinh phí của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài 6 chợ được xây dựng kiên cố, còn lại hầu hết là các chợ nông thôn trong huyện Thanh Sơn đã xây dựng từ lâu nên cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật nay không đảm bảo. Phần diện tích xây dựng kiên cố phục vụ kinh doanh đã xuống cấp và chật hẹp. Phần diện tích mua bán ngoài trời và hệ thống giao thông nội bộ trong chợ chưa được cứng hóa, không có hệ thống cấp thoát nước cũng như vệ sinh môi trường không đảm bảo. Phần lớn chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh là các chợ phiên, thời gian họp chợ ngắn nên công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, có nơi còn khá lỏng lẻo, thiếu sự giám sát. Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Mô hình hoạt động quản lý chợ xã trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, mỗi nơi vận dụng một cách khác nhau. Có xã thì giao cho công an xã, hợp tác xã dịch vụ điện năng quản lý, có nơi thành lập ban quản lý chợ, nơi lại thành lập tổ quản lý nhưng thực chất là hợp đồng với một cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, khai thác. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác quản lý chợ còn hạn chế do chưa qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ mà chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc thu phí và dọn dẹp vệ sinh. Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, thời gian tới cùng với việc áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và tăng cường quản lý thương mại, các ngành, địa phương cũng cần tranh thủ các nguồn vốn, xã hội hóa xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ, bảo đảm số lượng chợ cần thiết với mục tiêu phục vụ đầy đủ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, văn hóa của dân cư nông thôn. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ các ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn. Xây dựng thêm các mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nhân rộng trên tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/cho-nong-thon-nhung-yeu-cau-tu-thuc-tien-170371