Cho phép chứ không thả nổi
Theo Nghị định 144/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, sẽ bỏ cấp phép phổ biến ca khúc ra đời ở miền Nam trước năm 1975 và ca khúc sáng tác của người Việt ở nước ngoài.
Đây là kết quả sau nhiều năm kiến nghị của giới hoạt động biểu diễn và cả cơ quan quản lý nhà nước các địa phương nhằm xóa bỏ thủ tục hành chính không còn cần thiết, không những không mang lại hiệu quả quản lý như mong muốn mà còn gây phiền hà, thậm chí phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Nhiều ca khúc sáng tác phổ biến ở miền Nam trước năm 1975 in sâu trong lòng đông đảo công chúng, trong đó có những ca khúc cách mạng được sáng tác trong chiến khu, vùng giải phóng, trong phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh tại các đô thị miền Nam. Những ca khúc này từng bị dán mác "sáng tác và phổ biến ở miền Nam trước năm 1975" nên cũng phải xin cấp phép phổ biến một cách vô lý. Ngay cả cơ quan xét duyệt cấp phép phổ biến cũng lúng túng khi áp dụng trong quản lý, dẫn đến quyết định sai như việc Cục NTBD (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định thu hồi 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 vào tháng 3-2017 từng gây xôn xao dư luận.
Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam và hải ngoại là nhằm giảm thủ tục hành chính không cần thiết, để nhiều tác phẩm có giá trị có cơ hội đến với công chúng thông qua các chương trình biểu diễn, sản phẩm ca nhạc chứ không phải bỏ quản lý nội dung tác phẩm. Như lời ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD: nhà nước sẽ quản lý tác phẩm bằng cách hậu kiểm. Nghĩa là giao trách nhiệm quản lý nội dung tác phẩm ca nhạc sáng tác trước năm 1975 và ở hải ngoại cho các cơ quan quản lý chức năng cấp phép công diễn và hậu kiểm của địa phương, các đài truyền hình, đài phát thanh và Cục NTBD (cấp phép công diễn cho các chương trình thuộc các đơn vị trung ương).
Theo đó, các tác phẩm công diễn và phát sóng không được vi phạm các quy định cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nêu trong nghị định này: chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Tuy nhiên, sẽ không mang lại hiệu quả nếu công tác hậu kiểm chỉ tăng cường đối với những chương trình NTBD chuyên nghiệp có cấp phép công diễn, phát trên sóng các đài truyền thanh, truyền hình mà không quan tâm đến những chương trình biểu diễn nghệ thuật trong cộng đồng, biểu diễn trực tuyến, biểu diễn qua bản ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng số, mạng xã hội. Đây là mảng có tầm phổ biến và tác động đến công chúng lớn nhất nhưng lâu nay gần như thả nổi. Một khi chưa làm tốt điều này không chỉ tạo ra mất công bằng trong hoạt động biểu diễn mà còn cho thấy việc thực thi pháp luật không đến nơi đến chốn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cho-phep-chu-khong-tha-noi-20201218231853386.htm