Cho phép kéo dài giá trị sử dụng giấy chứng nhận kiểu loại sản xuất ô tô

Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 giúp các doanh nghiệp ô tô có thêm thời gian đáp ứng các điều kiện, tránh việc bị đình trệ sản xuất.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2019/TT-BGTVT

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2019/TT-BGTVT

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất lắp ráp ô tô.

Thông tư 46 ghi rõ: “Đối với Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế đã cấp trước 25/8/2019 được tiếp tục sử dụng để hoàn thành thủ tục cấp các Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm, cơ sở thiết kế chỉ phải lập hồ sơ bổ sung các hạng mục còn thiếu so với quy định tại Thông tư này; Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại linh kiện đã được cấp lần đầu từ ngày 17/10/2017 đến trước ngày 25/8/2019 cho kiểu loại linh kiện trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm theo các quy chuẩn tương ứng tại Việt Nam nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng cho sản xuất, lắp ráp ô tô thì lập hồ sơ bổ sung các hạng mục hồ sơ còn thiếu theo quy định.

Hiệu lực giấy chứng nhận cấp đổi là 36 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc cho đến thời điểm theo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng mới ban hàng hoặc sửa đổi bổ sung tùy theo điều kiện nào đến trước; Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô đã được cấp lần đầu từ ngày 17/10/2017 đến trước 25/8/2019, nếu cơ sở sản xuất có nhu cầu tiếp tục sản xuất, lắp ráp kiểu loại xe đó thì lập hồ sơ bổ sung các hạng mục hồ sơ còn thiếu theo quy định. Hiệu lực của Giấy chứng nhận cấp đổi là 36 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu”.

Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho hay, Thông tư này giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thêm thời gian trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Thông tư với Nghị định.

Theo ông Hà, trước khi Thông tư 25 ban hành ngày 5/7/2019, nhiều doanh nghiệp ô tô đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm đang sản xuất, lắp ráp; Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế ô tô và có kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Sau khi Thông tư 25 ban hành và có hiệu lực ngày 25/8/2019 đã quy định các Giấy chứng nhận trên có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2019. Vì thế nếu thực hiện ngay theo Thông tư 25 mà không có chuyển tiếp sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô gặp khó khăn.

Vì vậy, Thông tư 46 cho phép chấp nhận các Giấy chứng nhận chất lượng của các kiểu loại sản phẩm, Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế ô tô và kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đã thực hiện theo Nghị định 116 và thời hạn là đủ 36 tháng (tính từ ngày cấp), thay vì chỉ có giá trị sử dụng đến 31/12/2019.

Cũng theo ông Hà, nếu không sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô sẽ gặp phải khó khăn, thậm chí gián đoạn việc sản xuất. “Với Thông tư 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25, các hồ sơ sẽ được nối tiếp luôn vì nếu chỉ đến 31/12/2019 thì doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp. Vừa đi thử nghiệm, vừa làm thủ tục chứng nhận rồi tất cả các thứ không thể kịp được. Việc ban hàng Thông tư 46 là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở mức tối đa”, ông Hà chia sẻ thêm.

Thanh Tùng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/cho-phep-keo-dai-gia-tri-su-dung-giay-chung-nhan-kieu-loai-san-xuat-o-to-d443342.html